"Bán biệt thự nhưng phải quản lý chặt"
Đó là khuyến nghị của ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Về việc Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội vừa thông qua chủ trương cho phép thành phố tiếp tục bán gần 600 biệt thự trong tổng số 970 biệt thự trên địa bàn, ông Hùng nói:
- Vấn đề quan trọng nhất mà Hà Nội phải thận trọng, đó là bán thế nào, giữ lại thế nào và quản lý sau khi bán thế nào. Tôi cho rằng, lãnh đạo thành phố mới chỉ bàn về chủ trương, chứ chưa có phương án cụ thể.
Theo tôi, muốn bán biệt thự nào cần chụp ảnh mặt bằng, mặt đứng, xem xét đến giá trị kiến trúc của nó. Các nhà chuyên môn cần phải "vào cuộc" để có kết luận phù hợp.
Đặc biệt, khi bán thì cần công khai toàn bộ các biệt thự, các tiêu chí của biệt thự cần bán, địa chỉ từng căn một để mọi người đều có thể tham gia mua bán một cách khách quan. Từ đó, sẽ không bỏ sót những nhà có giá trị lịch sử và đảm bảo việc mua bán được minh bạch. Những biệt thự có giá trị lịch sử, kiến trúc thì nhất định không được bán.
* Theo ông, việc Hà Nội quyết định bán biệt thự vào lúc này liệu có làm cho kiến trúc đô thị bị xáo trộn khi đại lễ 1.000 năm Thăng Long đang cận kề?
Theo tôi thì điều này không đáng lo vì biệt thự khi xây lại phải có giấy phép xây dựng.
Giấy phép đó đã quy định rõ được xây thế nào, kiểu nào, cải tạo thế nào. Ví dụ như không được xây dựng quá diện tích đất. Biệt thự có diện tích 300 m2, trong đó chỉ được phép xây dựng 200 m2 còn lại 100 m2 để thiết kế phục vụ cho cảnh quan.
Khi có một chi tiết quy hoạch ngay từ đầu thông qua giấy phép xây dựng thì kiến trúc đô thị sẽ không thể bị xáo trộn.
* Nhưng nếu quy định như vậy thì liệu có vi phạm quyền lợi của người mua vì họ hoàn toàn quyền sở hữu, sử dụng ngôi nhà theo ý mình?
Theo luật pháp thì đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Anh chỉ có quyền sử dụng đất, được quyền làm nhà nhưng nhà thế nào phải theo quy hoạch của khu vực đó.
Khi bán, cần phải có một quy ước ràng buộc. Muốn mua, khách hàng sẽ phải tìm hiểu vấn đề đó từ trước, nếu không đồng ý thì thôi.
Theo VnEconomy
- 0
- By Admin
- 19/12/2008
- 17