Bài học phía sau cơn "sốt" đất
Nhưng phía sau cơn sốt đất đó là gì? Khi cánh đồng lúa biến dần trong giấc mơ của người nông dân thì nỗi lo đang hiển hiện trước mắt.Đổi đời ở xã có 5 dự án
Xã Vĩnh Ngọc, nơi được dư luận coi là đỉnh điểm cơn sốt đất của huyện Đông Anh, Hà Nội (ngoại trừ khu vực trung tâm huyện) đang là công trường sôi động. Các dự án (trong đó có dự án cầu Nhật Tân) nỗ lực triển khai khiến cho trục đường chính lầy lội bùn đất trong những ngày mưa phùn. Đường làng khang trang với những ngôi nhà cao tầng đua nhau mọc lên. Nhiều nhà vẫn để tường mộc, chờ thời tiết khô ráo mới sơn. Ven cánh đồng lúa thôn Ngọc Chi cũng xuất hiện những ngôi nhà với lớp sơn mới nổi bật bên mái nhà cấp bốn liền kề. Chỉ trong khoảng một năm trở lại đây, xã Vĩnh Ngọc như được đổi đời.Tôi ghé vào ngôi nhà mới xây trên trục đường liên thôn, chị chủ nhà kể rằng năm ngoái nhà chị bán đất mặt đường được 50 triệu đồng/m2, dành tiền xây nhà. Nếu giá đất không tăng, có lẽ vợ chồng chị chẳng bao giờ có khả năng xây nhà to như thế này.
Dự án xây dựng cầu Nhật Tân đang triển khai là một trong những nguyên nhân dẫn đến cơn sốt đất ở Đông Anh. |
Nhưng ruộng vườn không còn, công việc không có nên chị đang lo "miệng ăn núi lở". Ông chồng hằng ngày chỉ trông nhà và sang hàng xóm chơi cờ. Chị thì túc tắc ra chợ làng buôn bán rau, đậu kiếm thêm. Chị bảo, đất ở đây giờ lên tới 70-80 triệu đồng/m2, đất trong ngõ cũng phải trên 50 triệu đồng/m2 rồi. Bán đất nhiều nên nhiều nhà cũng có cơ hội xây được nơi ở khang trang, sắm được chiếc xe máy tay ga đắt tiền. Có nhà thì bán đất chia cho các con, mỗi đứa một ít để chi tiêu và làm vốn kinh doanh.
Ông Trần Thế Huy, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ngọc cho biết, cả xã có 4 thôn với khoảng 3.000 hộ dân gồm 13.000 nhân khẩu. 5 dự án triển khai trên địa bàn xã liên quan đến 70% số hộ dân với diện tích giải phóng mặt bằng lên tới hơn 150ha. Một xã không lớn mà có các dự án: hồ điều hòa, công viên cây xanh kết hợp nghĩa trang, quốc lộ 5 kéo dài, cầu Nhật Tân và khu tái định cư thì quả là sự thay đổi quá lớn.
Đất ruộng bị thu hẹp trong khi giá đất ở thì tăng vù vù. Người nông dân vốn quanh năm chân lấm tay bùn, chả mấy khi cầm đến bạc triệu mà nay nhìn thấy cả bạc tỉ ngay trong nhà mình. Họ không cần làm thì vẫn có tiền để ăn. Bởi vậy, chính quyền địa phương rất lo lắng khi kinh tế phát triển, việc làm không có tất yếu sẽ phát sinh tiêu cực. Chính quyền xã vận động, tuyên truyền người dân tự chuyển đổi nghề để có thu nhập ổn định trong tương lai.
Thôn Phương Trạch, xã Vĩnh Ngọc đã chuyển sang phong trào nuôi bò sữa, hiện duy trì 170 con. Lao động trẻ trong xã tìm việc ở Khu công nghiệp Thăng Long ngay gần đó. Người trung tuổi thì làm nghề tự do, làm sắt kiếm sống. Tuy vậy, cũng không tránh khỏi việc ỷ lại vào đồng tiền bán đất, tiền giải phóng mặt bằng, một số người không chịu làm việc mà chỉ rong chơi qua ngày.
Có lẽ, ở nơi sốt đất và đã có nhiều giao dịch về đất, nỗi lo hơn cả chính là sự thay đổi của các mối quan hệ trong gia đình, làng xóm bị chi phối bởi đồng tiền. Đó là sự phức tạp trong quản lý đất đai, là sự phát sinh tranh chấp, sự phát triển của tệ nạn xã hội. Bằng chứng sinh động là sự xuất hiện của dòng chữ "Chú ý, đất tranh chấp cấm mua bán" mà tôi đã nhìn thấy khi về thôn Ngọc Chi. Dòng chữ đó được viết nguệch ngoạc bằng sơn đỏ trên tường một ngôi nhà cấp bốn nằm trên trục đường thôn nơi tiếp giáp với cánh đồng.
Huyện Đông Anh là địa bàn đang được triển khai hàng loạt dự án. Cuộc sống của người nông dân bỗng chốc đổi thay khi mảnh đất họ ở bao đời tăng thêm giá trị. Cũng giống như Vĩnh Ngọc, ở nhiều xã khác trong huyện như Đông Hội, Xuân Canh, Hải Bối, Tiên Dương, Nam Hồng… người dân đang đua nhau bán đất để làm nhà, chia cho con cái, lấy tiền mua sắm, chi tiêu. Cuộc sống của người dân thay đổi theo cả hai hướng tích cực và tiêu cực. Không ít bi kịch sinh ra từ đất đã trở thành bài học đau xót cho người dân.
Bài học phía sau cơn sốt đất
Trên thực tế, suốt thời gian dài gần chục năm qua, khi giá đất Hà Nội biến động không ngừng thì tình trạng "lật kèo", đe dọa, đòi tiền của khách mua đất cũng gia tăng. Nhiều người nông dân ở khu vực ngoại thành Hà Nội trong đó có nhiều trường hợp ở huyện Đông Anh đã có hành động trái pháp luật bắt nguồn từ cơn sốt đất. Nhiều trường hợp sau khi đã hoàn tất thủ tục mua bán đất, nhưng giá đất lên cao, chủ nhà tiếc tiền nên muốn đòi lại đất hoặc vòi thêm tiền của người đã mua đất. Có trường hợp hai bên đồng ý hỗ trợ nhau một khoản tiền nhất định.Nhưng cũng đã xuất hiện trường hợp gây gổ, đe dọa nhằm ép người mua đất phải giao tiền trái ý muốn. Nhiều người dân từ chỗ quan hệ láng giềng tốt đẹp, khi đất đắt nảy sinh tranh chấp, thậm chí vi phạm pháp luật chỉ vì sự tham tiền và thiếu hiểu biết pháp luật. Mới đây, ngày 3-3, Công an huyện Đông Anh đã khởi tố một trường hợp ở thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Đây là vụ việc đầu tiên cơ quan CSĐT Công an huyện Đông Anh bắt giữ, xử lý đối tượng có hành vi cưỡng đoạt tài sản mà nguyên nhân phát sinh sau bán đất.
Cơn sốt đất ở Đông Anh giúp người dân địa phương thay đổi cuộc sống nhưng cũng kéo theo đó là sự thay đổi về đời sống xã hội. Người dân cần biết tự bảo vệ trước cơn bão giá đất. Nhưng bên cạnh đó, vai trò của chính quyền địa phương trong việc định hướng việc làm cho cư dân của mình là rất quan trọng. Đồng thời, chính quyền địa phương cũng phải có biện pháp mạnh, giải quyết triệt để mâu thuẫn phát sinh từ các giao dịch đất đai. Có vậy mới không để lại hậu quả xấu từ cơn sốt đất.
Trung tá Trần Hải Quân, Phó Trưởng Công an huyện Đông Anh đánh giá: Tình trạng bán đất lúc giá rẻ, khi giá đất biến động, tăng cao, chủ nhà thấy tiếc nên đòi thêm tiền, thậm chí là gây gổ với người mua đã diễn ra ở nơi giá đất tăng theo quy hoạch của thành phố. Người địa phương lợi dụng thế yếu của khách mua đất như ở xa, không có người trông coi, không có mối quan hệ với địa phương… để bắt nạt. Họ dùng mọi thủ đoạn trái pháp luật để buộc người mua phải giao tài sản trái ý muốn, hành vi đó là cấu thành tội phạm.
Ông Trần Thế Huy, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội: Nhiều dự án về địa phương, người dân mất đất sản xuất nhưng lại bán được đất giá cao. Đời sống kinh tế của nhân dân thay đổi. Mặt thuận lợi có nhưng cũng phát sinh nhiều khó khăn phức tạp trong quản lý đất đai, xuất hiện tranh chấp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Chính quyền địa phương rất quan tâm chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể nắm vững vấn đề này đề phòng hậu quả xấu có thể xảy ra xuất phát từ tranh chấp, mua bán đất đai.
(Theo CAND)
- 0
- By Admin
- 11/04/2011
- 17