• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Bãi biển Nha Trang "nát bươm" vì quy hoạch

Dự án quy hoạch trên được UBND tỉnh Khánh Hòa giao Sở Xây dựng làm chủ đầu tư và đơn vị được thuê thực hiện là Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng).

Ông Bùi Mau - nguyên phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa, chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Khánh Hòa - cho biết: “Liên hiệp hội được UBND tỉnh giao nhiệm vụ phản biện dự án này. Chúng tôi đã thành lập tổ phản biện gồm các nhà chuyên môn về kiến trúc, xây dựng, đô thị và lãnh đạo các tổ chức xã hội, đã có kết luận riêng của tổ. Cuộc hội thảo mở rộng này mời thêm nhiều vị nguyên lãnh đạo tỉnh, cả người dân để tranh luận, làm sáng tỏ thêm vấn đề nhằm tổng hợp báo cáo cho lãnh đạo tỉnh về quy hoạch trên”.

Đề nghị ngăn chặn việc xây dựng vô tội vạ

"Tôi biết áp lực các công ty, doanh nghiệp muốn chiếm dải đất phía đông đường Trần Phú lớn lắm. Nếu tập thể lãnh đạo tỉnh không có tư tưởng cộng đồng cao độ, chỉ nghĩ về kinh tế cho xây khách sạn cao to, sang trọng thì chỉ những người giàu có mới vào, chứ dân đâu có dám vào mấy chỗ đó"

Ông Trần Thiết Hùng (nguyên chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa)

Là người đầu tiên phát biểu tại hội thảo, kiến trúc sư Nguyễn Văn Lộc - nguyên giám đốc Sở Xây dựng, nguyên chủ tịch Hội Kiến trúc sư Khánh Hòa - bức xúc: “Tôi đọc đồ án quy hoạch này và thấy rằng những nhà quy hoạch muốn biến dải đất hẹp đẹp tuyệt vời mà thiên nhiên ban tặng cho Nha Trang và Việt Nam thành một dải đô thị sầm uất với nhiều nhà hàng, khách sạn, đô thị cao tầng, nhà nghỉ dưỡng ở dưới ngầm lẫn bên trên mặt đất, bãi biển và cả ngoài biển. Nếu cái này mà thành hiện thực, tôi nghĩ không ai công nhận vịnh Nha Trang là vịnh đẹp nữa”. Theo ông Lộc, quy hoạch này “phá” bãi biển Nha Trang, từ một bờ vịnh nên thơ với dải cây xanh rợp mát, cát trắng, nắng vàng hiếm nơi nào có được in sâu trong tâm tưởng mọi người sắp tới sẽ trở thành khu đô thị lộng lẫy nhà cao nhà thấp, ngoài biển thì các “trung tâm đại dương” thòi ra thụt vào. Đó là điều đi ngược lại với phúc lợi công cộng mà mọi người dân được hưởng từ ngàn đời đến giờ.

Ông Bùi Dũng - chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Khánh Hòa - tiếp lời: “Đây là một thiết kế hoàn toàn thương mại chứ không mang tính chất phục vụ cộng đồng. Chẳng hạn công viên Yersin hiện nay đang phục vụ cộng đồng như vậy, giờ quy hoạch họ phá đi để xây dựng khách sạn cao tầng là rất bậy. Chúng ta đang sở hữu một không gian xanh, đẹp ở phía đông đường Trần Phú, đường Phạm Văn Đồng, bây giờ lại phá đi để đưa bêtông cốt thép vào thì đi ngược lại với xu hướng kiến trúc môi trường xanh. Tôi đề nghị phải chặn đứng những việc xây dựng ở bãi biển Nha Trang và chấm dứt tình trạng cho phép xây dựng vô tội vạ”.

Còn ông Trần Thiết Hùng - nguyên chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - xúc động: “Quy hoạch mới ở phía đông đường Trần Phú, đường Phạm Văn Đồng hình thành nên các khu vực dành riêng cho khách cao cấp thì khi đó còn gì cho cộng đồng nữa, trong tương lai dân Nha Trang, dân Khánh Hòa và dân Việt Nam này đến Nha Trang thì chơi ở đâu, nghỉ dưỡng thế nào? Tôi biết áp lực các công ty, doanh nghiệp muốn chiếm dải đất phía đông đường Trần Phú lớn lắm. Nếu tập thể lãnh đạo tỉnh không có tư tưởng cộng đồng cao độ, chỉ nghĩ về kinh tế cho xây khách sạn cao to, sang trọng thì chỉ những người giàu có mới vào, chứ dân đâu có dám vào mấy chỗ đó”.

Một điển hình cho sự “xấu xí” vì xây dựng ở bờ biển Nha Trang mới đây, theo nhiều đại biểu dự hội thảo, là khu dịch vụ E-land Four Seasons. “Nếu chúng tôi không có ý kiến quyết liệt thì có lẽ bây giờ khu này đã thành khu nhà hàng ba tầng chạy dài hàng chục mét ngay trên bờ biển khu trung tâm Nha Trang rồi. Bây giờ thì họ có “cắt ngọn” nhưng tầm nhìn ra biển bị che khuất hoàn toàn. Tôi nói với chủ tịch tỉnh đương nhiệm là nên coi cái E-land Four Seasons này như một sự đã lỡ, không nên lặp lại” - ông Nguyễn Văn Ánh - nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - nói.

Còn ông Tào Anh Tuấn - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Khánh Hòa - ví von rằng phần nổi của quán bar ngầm dưới công viên bờ biển trước khách sạn Havana là “cái bốt giống như cái nhà vệ sinh”...

“Can thiệp thô bạo vào tự nhiên”

Ông Phạm Văn Thơm - phó chủ tịch Hội Bảo vệ môi trường Khánh Hòa - nói rằng quy hoạch cho làm năm trung tâm đại dương ở khu vực trung tâm biển Nha Trang phía đông đường Trần Phú là tạo “răng cưa” xấu xí cho vòng cung đẹp của biển khu vực này, là “sự can thiệp thô bạo vào tự nhiên”.

Ông cho rằng quy hoạch đã không nghiên cứu kỹ những vấn đề sát sườn như vì sao biển Nha Trang ngày càng sâu để có hướng khắc phục, không nghĩ tới việc cải tạo để tái lập cánh cung tự nhiên ở vùng biển đường Phạm Văn Đồng với bãi cát tự nhiên cho dân và du khách tắm.

“Tôi nghĩ quy hoạch được những cái này thì bãi biển Nha Trang mở rộng thêm vẻ đẹp tự nhiên, khi đó thu hút đông đảo khách du lịch hơn nữa, nghĩa là đạt được mục tiêu phát triển kinh tế” - ông Thơm nói.

Ông Bùi Mau nói rằng hầu hết ý kiến tại hội thảo trùng khớp với các kết luận và kiến nghị của tổ tư vấn phản biện Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Khánh Hòa.

“Cùng với các đề nghị không cho xây dựng khách sạn, công trình ngầm phía đông đường Trần Phú cũng như các trung tâm đại dương, tổ tư vấn đề nghị phá bỏ công trình xây dựng kiên cố Café-bar E-land Four Seasons; thu hồi các dự án nhà hàng, khách sạn Anna Mandara, Sailing Club, Louisianna khi hết hạn cho thuê đất; quy hoạch lại phía tây đường Trần Phú, Phạm Văn Đồng từ nam Hòn Chồng đến Viện Hải dương học đạt tiêu chí 90% diện tích cây xanh và công viên, 10% là cụm dịch vụ nhỏ, cao tối đa 3m. Do đất phía đông đường Trần Phú là đất nhạy cảm, đề nghị UBND tỉnh trước khi phê duyệt phải tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân và các tổ chức xã hội” - ông Mau nói.

Ông Mau cũng cho biết ban tổ chức hội thảo có mời các vị lãnh đạo tỉnh dự hội thảo nhưng “chắc vì bận việc nên họ không đến”.

Phần lớn ý tưởng quy hoạch của một tập đoàn Ấn Độ

Chiều 17/2, chúng tôi đề cập các kiến nghị của hội thảo phản biện nêu trên với ông Lê Văn Dẽ - giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa. Ông Dẽ nói: “Quy hoạch này là cụ thể hóa của điều chỉnh quy hoạch chung phát triển TP Nha Trang đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 9/2012, đồng thời cũng dựa trên Quy hoạch bảo tồn tôn tạo giá trị vịnh Nha Trang. Những dự án nêu ra trong quy hoạch 1/2000 khu vực phía đông đường Trần Phú và đường Phạm Văn Đồng được cập nhật từ phê duyệt quy hoạch chung TP Nha Trang của Thủ tướng. Hiện nay Sở Xây dựng đang lấy ý kiến của các cơ quan chức năng và những tổ chức hữu quan để tổng hợp trình UBND tỉnh quyết định. Tôi cho là tất cả ý kiến phản biện đều đáng ghi nhận và quy hoạch còn được điều chỉnh, nếu UBND tỉnh thấy đó là đúng, dự án nào cần thiết bỏ sẽ bỏ”.

Ông Dẽ nói: “Chưa trả lời được đâu là ưu, đâu là nhược” của dự án quy hoạch này. Ông cũng thừa nhận: “Sở thực hiện chỉ đạo của Thường trực UBND tỉnh nên quy hoạch này lấy phần lớn ý tưởng quy hoạch bờ biển Nha Trang của Tập đoàn Dewan (Ấn Độ)”.

Quy hoạch xây dựng 5 phân khu trên bãi biển Nha Trang

1. Khu đô thị Vĩnh Hòa (27,32ha): khu ở mới thấp tầng và khu dịch vụ công cộng và du lịch.

2. Khu du lịch dịch vụ cao cấp (110,14ha): khu dịch vụ du lịch du thuyền và khu nghỉ dưỡng cao cấp. Trong đó, đáng chú ý là khu cao ốc Peacock Marina Complex cao 54 tầng, hệ thống khách sạn Amiana, bến du thuyền quốc tế lấn biển, khu nghỉ dưỡng cao cấp...

3. Khu công viên du lịch Hòn Chồng (28,35ha): khu công viên ven biển và điểm tham quan ngắm cảnh di tích Hòn Chồng - Hòn Đỏ, trong đó có dự án khu công viên giải trí Nha Trang Sao.

4. Khu tổ hợp dịch vụ đa năng phía nam cầu Trần Phú (14,12ha): khu trung tâm thương mại dịch vụ du lịch và ở, có khu vườn cao ốc Phoenix cao 45 tầng, khách sạn WaterFall cao 40 tầng

5. Khu công viên kết hợp dịch vụ công cộng ven biển phía đông đường Trần Phú (60,04ha): khu công viên trung tâm kết hợp dịch vụ vui chơi giải trí, trong đó có năm khu trung tâm đại dương nhô xa ra biển, mỗi trung tâm cao bốn tầng; khu dịch vụ và du lịch ngầm Underground De Plaza; bãi đậu xe ngầm dưới công viên 2 Tháng 4...

Quy hoạch sử dụng đất so với hiện trạng phía đông đường Trần Phú và đường Phạm Văn Đồng hiện nay có nhiều thay đổi. Chẳng hạn đất cây xanh tăng từ 9,1% lên 10,5%; đất dịch vụ giải trí tăng từ 2,87% lên 7,5%; đất du lịch nghỉ dưỡng tăng từ 4,36% lên 11,9%...

(Nguồn: quy hoạch 1/2000 khu vực phía đông đường Trần Phú và đường Phạm Văn Đồng, TP Nha Trang)

  • 243
  • By Admin
  • 18/02/2014
  • 17