• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Bạc Liêu: Nhiều cơ hội đầu tư

Ngày 17.9 vừa qua, thị xã Bạc Liêu đã tổ chức lễ công bố chính thức trở thành đô thị loại 3, trực thuộc tỉnh Bạc Liêu, có quy mô diện tích hơn 17.500 ha với gần 190.000 nhân khẩu. Thành phố Bạc Liêu được thành lập theo Nghị quyết 32/NQ-CP của Chính phủ ký ngày 27.8. Điều này đồng nghĩa với việc từ nay, ngân sách nhà nước sẽ đổ về Bạc Liêu nhiều hơn, cùng với những ưu đãi liên quan tới đầu tư.

Nhiều cơ hội đầu tư

Ông Võ Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu, cho biết, trong vòng 3 tháng qua đã có nhiều dự án đầu tư lớn vào Bạc Liêu. “Dù vị trí địa lý không hấp dẫn trong thu hút đầu tư, chính quyền thị xã Bạc Liêu cũ vẫn nỗ lực cải cách hành chính liên quan đến doanh nghiệp nhằm thu hút nhà đầu tư tìm đến và triển khai nhiều dự án quy mô hàng trăm tỉ đồng”, ông Dũng cho biết thêm.

Ngay sau sự kiện Bạc Liêu được thăng hạng, sáng ngày 18.9, Công ty Đầu tư Xây dựng Hoàng Phát (Đắk Lắk) và Công ty Bất động sản Lilama (TP.HCM) đã khởi công dự án xây dựng Khu Đô thị Hoàng Phát, rộng hơn 69,5 ha, bao gồm biệt thự, nhà phố, bệnh viện, trường học, ngân hàng, khu thương mại… với tổng đầu tư 568 tỉ đồng. Đây cũng là khu đô thị mới đầu tiên của thành phố Bạc Liêu. Theo ông Nguyễn Thanh Chinh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Bạc Liêu, Khu Đô thị Hoàng Phát được xem là bộ mặt của Thành phố trong tương lai.

Tại lễ khởi công dự án, chúng tôi đã gặp anh Tony Lâm, Việt kiều Singapore, vừa bay từ Singapore về TP.HCM đã xuống ngay Bạc Liêu để tìm cơ hội đầu tư. Anh đang là đại diện cho một tập đoàn tài chính của Mỹ, đã có dự án đầu tư tại Hà Nội và Phan Thiết, nay tìm hiểu đầu tư vào khu vực bất động sản của Bạc Liêu. “Bạc Liêu nằm trong nhóm địa phương có nhiều tiềm năng mà chúng tôi đang tìm hiểu và tin rằng sẽ thành công”, Tony Lâm cho biết.

Trước đó, ngày 9.9, Công ty Xây dựng Thương mại và Du lịch Công Lý (Cà Mau) cũng đã khởi công xây dựng nhà máy điện gió công suất 99 mWh/năm với tổng vốn đầu tư là 4.500 tỉ đồng tại đây. Đại diện nhà đầu tư cho hay, dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2012 và điện năng sản xuất ra được bán cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Đây là dự án mang tầm chiến lược quốc gia và được nhiều nhà đầu tư quan tâm, bởi nó không chỉ cải thiện tình hình thiếu điện mà còn khiến các nhà đầu tư an tâm hơn.

Ông Hoàng Thanh Long, Tổng Giám đốc Công ty Hoàng Phát, cho biết: “Chúng tôi là những nhà đầu tư đi sớm và sẽ về sớm vì cơ hội tại Bạc Liêu rất nhiều”. Dự án của Hoàng Phát cũng là dự án có tiến độ bồi thường nhanh nhất từ trước đến nay ở Bạc Liêu. Chỉ sau 1 tháng, nhà đầu tư đã có đất sạch để triển khai. Theo ông Long, nếu chính quyền có sẵn quỹ đất tái định cư ở vị trí đẹp, chính sách bồi thường thỏa đáng, thủ tục hành chính đơn giản sẽ giúp nhà đầu tư sớm có đất sạch. Đây là điều mọi nhà đầu tư đều quan tâm.

Và khó khăn

Bạc Liêu xưa vốn là vùng đất quy tụ nhiều điền chủ giàu có nhất nhì đất Nam Kỳ Lục tỉnh. Dấu tích của họ ngày nay vẫn còn qua những quần thể kiến trúc biệt thự cổ tuyệt đẹp dọc bờ sông Bạc Liêu, nơi được các nhà đầu tư đánh giá là rất có tiềm năng phát triển du lịch, bên cạnh những lĩnh vực khác.

Tuy nhiên, cũng với sự lạc quan, các nhà đầu tư cũng quan ngại rằng, tiến độ chỉnh trang đô thị của Bạc Liêu đang diễn ra rất chậm. Một nhà kinh doanh trong lĩnh vực thiết bị y tế, đang làm thủ tục đấu thầu cung cấp thiết bị y tế cho một bệnh viện đang xây dựng tại đây (không muốn nêu tên), nhận xét: Bạc Liêu cần đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng và đặc biệt chú ý phát triển nếp sống văn minh đô thị. Đối với phương tiện đi lại, chẳng hạn, trong đêm diễn ra lễ hội mừng sự kiện lớn của địa phương, quan khách đến tham dự, ngoại trừ những đoàn có xe riêng, còn lại không thể tìm được một chiếc taxi để đi lại. Trao đổi với một số nhà đầu tư tại Bạc Liêu, chúng tôi được biết, cả tỉnh Bạc Liêu hiện chỉ có một công ty kinh doanh taxi sở hữu 5 chiếc nên luôn luôn trong tình trạng thiếu xe phục vụ.

Ngoài việc xuất phát điểm của nền kinh tế còn thấp, Bạc Liêu còn ở khá xa trung tâm kinh tế lớn là TP.HCM, xa cảng biển, cảng hàng không, trong khi cơ sở hạ tầng giao thông còn yếu, việc lưu thông hàng hóa, di chuyển từ trung tâm thành phố về các huyện vẫn còn rất khó khăn. Hơn nữa, theo thông tin từ Sở Kế hoạch Đầu tư Bạc Liêu cho thấy, nguồn lao động trong độ tuổi qua đào tạo nghề của Tỉnh chỉ mới đạt 25%. Đó là một thách thức không nhỏ đối với các nhà đầu tư muốn tìm kiếm nguồn nhân lực tại chỗ.

(Theo NCĐT)

  • 0
  • By Admin
  • 28/09/2010
  • 17