Ba vấn đề đặc thù trong yêu cầu phát triển đô thị Hà Nội
Dù Đồ án quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội chưa được Chính phủ phê duyệt nhưng với các giải pháp tổ chức không gian đô thị đã được các nhà tư vấn thiết kế đề xuất, chúng ta có thể bàn tới ba vấn đề đặc thù đối với yêu cầu phát triển đô thị Hà Nội trong Luật Thủ đô.Vẫn chắp vá, lạc hậu?
Phần lớn lãnh thổ nội thành Hà Nội mới được mở rộng thêm từ nửa cuối Thế kỷ 20, khi đất nước còn chiến tranh, nền kinh tế còn lạc hậu, chưa có điều kiện đầu tư phát triển tập trung, hiện đại, đành phải phát triển manh mún, chắp vá. Trong khu vực nội thành hiện vẫn còn rất nhiều diện tích đất đưa vào xây dựng nhưng chưa sử dụng hết, trong đó có đất đai hàng chục khu vực làng xóm đang tồn tại trong nội thành.Do đó, việc đề xuất phát triển 5 đô thị vệ tinh trong vùng Thủ đô Hà Nội không có nghĩa là trong Khu nội đô đã bị quá tải cần phải được giảm tải; mà chỉ nhằm mục đích chia sẻ khai thác lợi thế phát triển tiểu vùng. Vì vậy, để phát triển Thủ đô văn minh, hiện đại, bền vững, không những phải tập trung vào các quy hoạch không gian và quy hoạch phát triển kinh tế xã hội tại các khu vực đô thị mới dự kiến phát triển; mà còn phải tập trung làm quy hoạch cải tạo xây dựng hoàn thiện Khu nội đô.
Cần có kế hoạch huy động từng bước đất đai các khu vực làng xóm trong Khu nội đô thực hiện các dự án đầu tư cải tạo khu nhà ở, công trình đô thị theo quy hoạch đã được phê duyệt. Cần ưu tiên việc tập trung nguồn lực quốc gia để đầu tư phát triển hoàn thiện cấu trúc đô thị Khu nội đô theo hướng văn minh, hiện tại, bền vững. Nếu chỉ có quy hoạch không gian mà không có quy hoạch kinh tế xã hội tại các khu đô thị mới và quy hoạch cải tạo đầy đủ Khu nội đô, sẽ dẫn đến tình trạng Thủ đô Hà Nội lại vẫn chỉ là một "Làng đô thị" phát triển chắp vá, lạc hậu.
Xác định rõ chức năng
Đồ án quy hoạch chung đề xuất phát triển 5 đô thị vệ tinh trên vành đai ngoài cùng. Ở phía bắc sông Hồng có đô thị Sóc Sơn; ở phía nam sông Hồng có 4 đô thị Sơn Tây, Hoà Lạc, Xuân Mai nằm trên trục đường 21 và Phú Xuyên trên trục quốc lộ 1A.Vấn đề quan trọng nhất trong quy hoạch xây dựng đô thị vệ tinh trong vùng Thủ đô Hà Nội, cần phải xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, mục tiêu phát triển thì việc đầu tư và khai thác các thành phố vệ tinh sau này mới có hiệu quả. Đối với việc phát triển năm đô thị vệ tinh mà quy hoạch chung đã tính tới, cũng có ý kiến cho rằng: "Chỉ hai đô thị Hoà Lạc và Sóc Sơn là có tiềm năng; còn ba đô thị Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên chỉ nên làm đất dự trữ; hạn chế đô thị hoá trong vòng 20-30 năm tới và không nên để tư nhân hoá tràn lan"; "Đối với các trục đường giao thông nối liền các đô thị vệ tinh, không cần xây mới; chỉ cần nâng cấp chất lượng đường sá hiện có và khai thác phương tiện phù hợp là đủ".
Sở dĩ có ý kiến như vậy là do trong thực tế có quá nhiều bài học về sự dây dưa kéo dài thực hiện các dự án đầu tư. Ví dụ, Dự án xây dựng Làng văn hoá Việt Nam tại Hoà Lạc, được khởi công từ những năm 1990, nhưng mãi đến năm 2010 mới hoàn thành (sau 20 năm); dự án Khu đô thị Ciputra ở quận Tây Hồ, rộng 200 ha, cũng khởi công từ những năm 1990 mà đến nay vẫn chưa xong... để nói rằng, việc đặt mục tiêu sau 20 năm hoàn thành phát triển tất cả năm đô thị vệ tinh nêu trên là không thực tế. Nhưng, theo tôi, trong vòng 20 năm tới nên tập trung khai thác bốn đô thị Sóc Sơn, Sơn Tây, Hoà Lạc, Xuân Mai. Cụ thể, như sau:
Đối với đô thị Sóc Sơn: Nên xác định đây là thành phố du lịch tâm linh, là cửa ngõ giao thông phía Bắc Thủ đô. Tại Sóc Sơn hiện có Đền Sóc thờ đức Phù Đổng về trời; vùng kế cận có di tích Cổ Loa tại Đông Anh là kinh đô thời An Dương Vương, Ngô Quyền và Cụm di tích đền thờ Hai Bà Trưng - Thi Sách ở Mê Linh là những biểu trưng hào khí thời dựng nước. Hiện tại, ở Sóc Sơn còn có Viện Phật giáo Việt Nam, Sân bay quốc tế Nội Bài. Nếu tổ chức khai thác tốt các di tích văn hoá lịch sử tâm linh vùng Bắc sông Hồng thì Thành phố Sóc Sơn sẽ có sức cuốn hút khách du lịch thập phương.
Có ba vấn đề đặc thù đối với yêu cầu phát triển đô thị Hà Nội trong Luật Thủ đô. Ảnh: VNE |
Đối với đô thị Sơn Tây: Tuy là một thị xã nhỏ bé, nhưng lại nằm giữa vùng trầm tích văn hoá lịch sử vang bóng một thời. Tại đây, có Chùa Mía, Ao Vua, hồ Suối Hai, V-Resort Thác Đa, Khu du lịch Khoang Xanh, đền thờ Hai Vua. Trong vùng kế cận, có Chùa Tây Phương, Chùa Thầy. Đô thị Sơn Tây nằm trong vùng đất trong lành, thanh tịnh thích hợp phát triển dịch vụ y tế điều dưỡng, công nghệ sinh học. Nếu chuyển về nơi đây Khu công nghệ sinh học HaBiotech rộng 500 ha, dự kiến đặt tại khu vực Tây-Nam cầu Thăng Long, gồm có; Khu dưỡng nghiệm; Phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu; Khu phát triển và đào tạo liên ngành chuyên nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học thì đô thị Sơn Tây sẽ trở thành Thành phố du lịch văn hoá lịch sử, nghỉ dưỡng và nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học có giá trị của Thủ đô Hà Nội.
Đối với đô thị Hoà Lạc: Hiện nay Chính phủ đã xác định Thành phố Hoà Lạc là trung tâm nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao và trung tâm đào tạo cán bộ khoa học có trình độ cao của quốc gia. Từ năm 1990 đến nay, Chính phủ đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng, nhận sự viện trợ tích cực của Chính phủ Nhật Bản tạo nên Khu công nghệ cao Hoà Lạc, rộng gần 1000 ha. Thành phố Hoà Lạc thích hợp là nơi ươm mầm công nghệ cao cho đất nước. Có đủ không gian bố trí đồng bộ các cơ sở nghiên cứu khoa học, đào tạo đại học, nghiên cứu sản xuất các sản phẩm công nghệ mũi nhọn của nền kinh tế Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Đối với đô thị Xuân Mai: Hiện tại chỉ là thị trấn qua đường; mới có trường Đại học Lâm nghiệp và làng nghề mây tre đan Phú Vinh là đáng kể. Song, về lâu dài, ở đây có lợi thế địa kinh tế. Hiện tại, đô thị vệ tinh Xuân Mai nằm gần nhà máy thuỷ điện Sông Đà có nguồn điện lực dồi dào. Nằm ở cửa ngõ phía tây Thủ đô mở lên vùng Tây Bắc. Có đất đai thích hợp xây dựng các công trình công nghiệp quy mô lớn. Nơi giao thoa nhiều cảnh quan đẹp, như lòng hồ thuỷ điện Hoà Bình; Khu du lịch Suối ngọc-Vua Bà, Khu du lịch Quan Sơn; Khu nghỉ dưỡng tắm nước khoáng Kim Bôi. Vì vậy, nên xây dựng Xuân Mai thành thành phố công nghiệp nặng, luyện kim, sản xuất máy công cụ và máy cơ khí chính xác cao. Đồng thời, Xuân Mai sẽ là thành phố du lịch và thương mại có tiềm năng, có quan hệ mật thiết với địa bàn kinh tế vùng Tây Bắc đất nước.
Đối với đô thị Phú Xuyên: Hiện nay Phú Xuyên là thị trấn huyện lị Phú Xuyên, một huyện thuần nông. Tại đây, hiện có một số nhà máy phục vụ nông nghiệp. Còn vùng kế cận có Chùa Bối Khê, Chùa Đậu, làng mây tre Ninh Sở ở Thường Tín; làng thêu ren Quất Động, làng mộc Vạn Điểm; làng trống Đọi Tam ở Đồng Văn. Thị trấn Phú Xuyên ở quá gần Thành phố Phủ Lý của tỉnh Hà Nam, do đó không nên phát triển thành đô thị vệ tinh cho Thủ đô Hà Nội. Cần giữ nguyên những cơ sở công nghiệp hiện có tại thị trấn Phú Xuyên; không nên phát triển thêm. Tại cửa ngõ phía nam này, chỉ nên phát triển các công trình giao thông cần thiết phục vụ Thủ đô.
Cần một chính quyền đô thị
Muốn Thủ đô Hà Nội phát triển văn minh, hiện đại, bền vững, cần phải có sự chỉ đạo, điều hành công tác quản lý và phát triển Thủ đô tập trung, chuyên nghiệp. Thủ đô Hà Nội tuy trải qua hơn 50 năm phát triển, diện tích nội thành mở rộng từ 1.200 ha vào năm 1954 lên 15.200 ha vào năm 2008. Nhưng, Thành phố Hà Nội vẫn chưa đạt tới trình độ văn minh, hiện đại như thủ đô các nước trong khu vực. Bởi vì, trong một thời gian dài, năng lực trí tuệ chỉ đạo, điều hành bộ máy lãnh đạo Thủ đô chưa thật sự tập trung, chuyên nghiệp vào lĩnh vực quản lý và phát triển đô thị.Từ năm 1954 đến nay, do nhiệm vụ quản lý và phát triển nông nghiệp ngang bằng với nhiệm vụ quản lý và phát triển đô thị, nên năng lực trí tuệ lãnh đạo, điều hành bộ máy hành chính Thủ đô bị chia sẻ, làm suy yếu sự quản lý và phát triển thành phố Thủ đô. Không lấy gì làm lạ, với thực trạng quản lý và phát triển Thủ đô như vậy ắt hẳn càng làm cho thành phố Thủ đô kéo dài thêm những căn bệnh khó bề cứu chữa đó là tệ nạn ùn tắc giao thông, úng ngập, lấn chiếm đất công, quản lý xây dựng lỏng lẻo ...
Để khắc phục mâu thuẫn nêu trên, Thành phố cần tiến hành nghiên cứu kiến nghị lên Đảng, Quốc hội, Chính phủ mạnh dạn cải tổ bộ máy lãnh đạo hành chính Thủ đô Hà Nội theo hướng tổ chức tập trung, chuyên nghiệp bám sát yêu cầu quản lý và phát triển Thủ đô.
Trên cơ sở đó, Thành phố nên đề xuất tổ chức bộ máy hành chính chuyên trách công tác quản lý và phát triển đô thị riêng, bao gồm Thành phố trung tâm và các Thành phố vệ tinh trong vùng Thủ đô Hà Nội, giúp tập trung được năng lực trí tuệ lãnh đạo vào đúng lĩnh vực công tác chuyên trách, tránh được sự phân tán, trì trệ như hiện nay.
KTS Trần Công Thanh
(Theo Tuần VNN)
- 0
- By Admin
- 24/03/2011
- 17