• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Bất động sản: Hàng tồn, vốn...thiếu

Đến ngày 10/6, dư nợ bất động sản ở mức 222.000 tỉ đồng, giảm 13.000 tỉ đồng so cuối năm 2010.

Một nhà đầu tư tên Việt mua căn hộ ở dự án Tân Kiên, Bình Chánh than thở vừa qua ông đã phải chấp nhận bán các căn hộ ông mua đầu tư ở đây cho một nhà đầu tư khác với giá gần như bằng với giá gốc mà trước đây chủ dự án công bố. Dù biết rằng mình bị ép nhưng trong bối cảnh quá kẹt tiền ông Việt đành phải chấp nhận.

Nhà đầu tư thứ cấp xả hàng

Giám đốc công ty bất động sản Nam Long Lê Mạnh Cường xác nhận, thời gian này, sàn giao dịch bất động sản Nam Cường tới tấp nhận đơn hàng bán ra. Người bán chấp nhận giảm 5 – 7 giá (như dự án Kim Chung – Di Trạch, hay Văn Phú, Thanh Hà), thậm chí giảm 10 giá như dự án Glexico khu C, song chả mấy khách mua ngó ngàng đến. Những trường hợp bị buộc phải bán ra chủ yếu do không có khả năng đóng tiền theo tiến độ. Trong đó, một số người đến hạn phải trả nợ ngân hàng.

Ông Dương Chí Thiện, phó giám đốc sàn Neoland cũng cho biết, thời gian này có rất nhiều nhà đầu tư thứ cấp xả hàng, trong khi đó những nhà đầu tư có tiền thì luôn đặt lệnh mua với một mức giá bị ép xuống.

Thị trường như vậy, nhiều chủ đầu tư căn hộ đã hoãn kế hoạch bung hàng. Chẳng hạn như công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai tuyên bố hoãn việc chào bán sản phẩm căn hộ thuộc dự án Thanh Bình, Incomex và Phú Hoàng Anh giai đoạn 2. Tương tự công ty cổ phần đầu tư xây dựng Lilam SHB cũng tạm dừng kế hoạch bán dự án 584 Lilam SHB Plaza. Ông Đặng Hồng Anh, chủ tịch HĐQT Sacomreal cho biết, với tình hình hiện nay, các chủ đầu tư đều phải tính toán kỹ kế hoạch bán sản phẩm của mình, không dàn trải.

Thêm khuyến mãi, thêm giảm giá

Công ty Sông Đà Thăng Long, chủ đầu tư dự án U-city (Hà Nội) vừa tung ra chính sách: tặng thêm từ 18 – 35m2 mặt sàn của trung tâm thương mại thuộc dự án cho những nhà đầu tư đóng 100% tiền mua căn hộ trước thời hạn quy định (hiện nhà đầu tư đã đóng được 50% giá trị dự án và số tiền phải đóng còn lại từ 600 triệu đồng đến khoảng 2 tỉ đồng tuỳ diện tích và vị trí). Tính theo giá thị trường hiện tại, giá mỗi mét vuông mặt sàn trung tâm thương mại của U-city khoảng 30 triệu đồng (trước đó khoảng 40 – 50 triệu đồng/m2). Số tiền doanh nghiệp này đang vay ngân hàng lên tới con số gần 1.000 tỉ đồng.

Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), chủ đầu tư dự án khu đô thị Vân Canh (Hà Nội) mới đây cũng chào bán nhà liền kề loại mặt đường 12,5m với mức giá 46 triệu đồng/m2, đã bao gồm cả tiền xây thô. Theo tính toán của một chuyên gia bất động sản, trừ đi chi phí xây thô, giá đất dự án này chỉ còn khoảng 30 triệu đồng/m2, trong khi mới đây, nhà liền kề mặt đường 30m cũng dự án này có giá tới 60 triệu đồng/m2. Việc HUD phải tung hàng ra đúng thời điểm thị trường khó khăn cũng chưa có tiền lệ và theo giới phân tích, không khó khăn để khẳng định, chủ đầu tư đang khát vốn.

Dự án Bắc An Khánh, chủ đầu tư cũng chuẩn bị bán nhà liền kề với mức giá được tiết lộ là thấp, song đi kèm điều kiện là khách hàng phải mua kèm chung cư cao cấp – phân khúc ảm đạm suốt mấy năm qua.

Dự án Dương Nội A, C, dù đến nay chưa ép cọc, chủ đầu tư (công ty Nam Cường) đã giục thu của khách hàng 40% giá trị xây thô. Theo đó, với căn hộ khoảng 75m2, số tiền phải đóng lên tới 1,1 tỉ đồng. Hay dự án An Hưng, nhiều khách hàng nhận được yêu cầu phải đóng 50 – 70% trị giá xây thô (từ 1,2 – 1,5 tỉ đồng). Anh Nguyễn Mạnh Hưng, nhà đầu tư đang găm ba căn liền kề dự án này cho biết, đang phải tìm mọi cách để bán bớt đi một căn, để có tiền đóng. Mặc dù đã chấp nhận giảm 3 – 5 giá (3 – 5 triệu đồng mỗi mét vuông) so với giá thị trường, mà nửa tháng nay anh vẫn chưa tìm được khách.

Hàng tồn kho và nợ nần chồng chất
Theo số liệu từ báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2011 do công ty chứng khoán VnDirect cung cấp thì con số hàng tồn kho của các doanh nghiệp bất động sản được xem là hàng đầu của TP.HCM đang khá lớn. Công ty cổ phần phát triển bất động sản Phát Đạt có tổng giá trị hàng tồn kho lên tới hơn 3.300 tỉ đồng. Công ty này nợ khoảng hơn 2.642 tỉ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ hơn 1.414 tỉ đồng. Công ty Sacomreal cũng ôm một lượng hàng tồn kho lên đến hơn 2.458 tỉ đồng, số nợ phải trả của công ty lên đến 5.370 tỉ đồng. Một số công ty khác như công ty CP đầu tư xây dựng Bình Chánh có số hàng tồn cũng lên đến hơn 2.150 tỉ đồng, số nợ lên đến hơn 1.868 tỉ đồng. Công ty Vạn Phát Hưng tồn kho hơn 1.000 tỉ đồng, nợ phải trả cũng hơn 1.000 tỉ đồng. Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) cũng có số căn hộ tồn kho có giá trị lên đến hơn 3.000 tỉ đồng.

(Theo SGTT)

  • 0
  • By Admin
  • 21/06/2011
  • 17