Bà Rịa - Vũng Tàu: Dự án “tỷ đô” đình trệ vì vướng mặt bằng
Saigon Atlantic Hotel của Công ty TNHH Winvest Investment Việt Nam (thuộc Tập đoàn Winvest LLC, Hoa Kỳ) có vốn đầu tư lên tới 4,1 tỷ USD. Là một trong những dự án lớn của Bà Rịa - Vũng Tàu, nhưng cho tới nay, dự án này vẫn “án binh bất động”, đến nỗi đã từng bị gọi là một trong những dự án “bánh vẽ”. Một cán bộ của Sở Kế hoạch và Đầu tư Bà Rịa - Vũng Tàu khẳng định, nhà đầu tư rất thiện chí để triển khai Dự án, nhưng vì vướng chuyện giải phóng mặt bằng, nên Dự án đang bị đình trệ.Dự án Guang Lian đang đóng cọc đợi đất tại Quảng Ngãi. Ảnh: S.T |
Được biết, dự án trên dự kiến được xây dựng trên tổng diện dích 307 ha đất liền và 610 ha lấn biển, nhưng tới đầu năm nay, Dự án mới chỉ được bàn giao 100 ha đất. Khó khăn trong đền bù giải phóng mặt bằng là nguyên nhân chủ yếu khiến địa phương chưa thể bàn giao đất đúng hạn cho nhà đầu tư. Đó cũng chính là một trong những lý do khiến vào cuối tháng 3 vừa qua, ông Hồ Văn Niên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phải triệu tập một cuộc họp để giải quyết vướng mắc về đất đai cho nhà đầu tư. Rất sốt ruột với tiến độ của các dự án, ông Niên đã chỉ đạo Tổ Hỗ trợ các dự án ngoài hàng rào khu công nghiệp của tỉnh định kỳ 2 tuần tổ chức họp một lần để giải quyết những vấn đề vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhằm sớm đưa các dự án đi vào hoạt động.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Xuân Vinh, Phó phòng Hợp tác và Đầu tư nước ngoài (Sở Kế hoạch và Đầu tư Bà Rịa - Vũng Tàu), thì chuyện này không dễ thực hiện. Bởi lẽ, theo tính toán của địa phương, tổng chi phí đền bù giải phóng mặt bằng cho dự án này khoảng trên 600 tỷ đồng. “Ngân sách địa phương hạn hẹp, nên khó huy động một lúc để giải phóng mặt bằng”, ông Vinh nói.
Trên thực tế, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã chi hơn 100 tỷ đồng để đền bù giải phóng mặt bằng, nhằm sớm có đất sạch bàn giao cho chủ đầu tư, nhưng “cái khó” vẫn còn đeo đuổi. Biện pháp là kêu gọi, động viên chủ đầu tư cùng chia sẻ với tỉnh, ứng trước tiền thuê đất để trước mắt giải quyết vấn đề giải phóng mặt bằng. “Winvest đã ứng trước 98 tỷ đồng để giúp tỉnh giải phóng mặt bằng. Họ cũng dự kiến trong năm nay sẽ triển khai một số hạng mục lớn, nhưng điều này còn phụ thuộc vào tiến độ bàn giao đất”, ông Vinh cho biết.
Nhưng Saigon Atlantic khó một, thì Dự án Công viên thế giới kỳ diệu của nhà đầu tư Good Choice khó mười. Dự án có tổng vốn đăng ký gần 1,3 tỷ USD này lại chọn điểm đến ngay tại TP. Vũng Tàu (khu vực Bàu Trũng), quy mô khoảng 133 ha. Vì nằm trong thành phố, nên theo ông Vinh, ngoài lo giải phóng mặt bằng, còn phải có một khoản chi khá lớn cho tái định cư.
Theo thông tin ban đầu, dự kiến, tổng chi phí cho bồi thường giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư của dự án này lên tới 1.500 tỷ đồng. Phương án chính thức chưa có, nhưng tỉnh đang vận động nhà đầu tư cùng chia sẻ khó khăn với địa phương.
Tương tự, Dự án Trung tâm hội nghị, triển lãm quốc tế Skybridge Dragon Sea, vốn đầu tư hơn 900 triệu USD, cũng đang chờ đất. Mới được cấp chứng nhận đầu tư từ đầu năm ngoái, nên tới giờ, chưa có phương án đền bù giải phóng mặt bằng cho dự án này. Tuy vậy, Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn kêu gọi nhà đầu tư ứng trước vốn cho công tác giải phóng mặt bằng.
Thực tế, không chỉ ở Bà Rịa - Vũng Tàu, mà ở nhiều địa phương, không ít dự án FDI cũng bị đình trệ vì chuyện đất cát. Ví dụ, dự án thép Guang Lian, 4,5 tỷ USD, ở Quảng Ngãi cần tới 500 ha đất, song đến nay, tỉnh mới chỉ bàn giao được 300 ha. Và một trong những khó khăn được nhắc tới cũng là vì tỉnh thiếu kinh phí cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Thành Quân, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng đã đề cập chuyện kêu gọi nhà đầu tư ứng trước tiền thuê đất để cùng giải quyết các khó khăn, vướng mắc về đất đai. Đây là một đề xuất mà trên thực tế, nhiều địa phương đã và đang thực hiện thành công.
Dự án thép Formosa (Hà Tĩnh) có thể coi là một ví dụ điển hình. Nhà đầu tư Đài Loan đã sẵn sàng chi 30 triệu USD để ứng trước cho địa phương và nhờ vậy, việc giải phóng mặt bằng đã có thể sớm hoàn tất.
Trong khó khăn, có lẽ sự hợp tác giữa cả địa phương và chủ đầu tư là vô cùng cần thiết để có thể sớm triển khai dự án đầu tư, mang lại lợi ích cho cả hai bên.
(Theo VIR)
- 0
- By Admin
- 13/04/2011
- 17