• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

BMI dự báo năm 2009: Việt Nam sẽ “bùng nổ” đầu tư nước ngoài

BMI dự báo năm 2009: Việt Nam sẽ “bùng nổ” đầu tư nước ngoài

Sản xuất linh kiện điện thoại di động tại Công ty TNHH Sorion (Đan Mạch) trong Khu công nghệ cao TPHCM. Ảnh: Đức Trí.

Sẽ bùng nổ đầu tư nước ngoài


Công ty khảo sát thị trường quốc tế Business Monitor International (BMI - một tổ chức nghiên cứu, đánh giá về kinh tế, tài chính hàng đầu thế giới có trụ sở tại London) vừa công bố báo cáo mới nhất về tình hình kinh tế Việt Nam và dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam tới năm 2017.

Theo BMI, sự hấp dẫn của thị trường Việt Nam đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước là hết sức rõ ràng, đó là dân số trẻ và trong độ tuổi lao động, làm việc chăm chỉ và chi phí lao động thấp.

Trên cơ sở đó, BMI cho rằng dòng vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất sẽ tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong những năm tới. Ngành sản xuất hiện nay đóng góp 25% vào GDP và con số này sẽ tiếp tục tăng lên 34% vào năm 2013 và 40% vào năm 2017.

Dự đoán tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sẽ ổn định xung quanh mức 15% hằng năm trong giai đoạn 2013-2017, trong khi nhập khẩu có thể giảm xuống còn khoảng 10%/năm sau năm 2010 khi đầu tư công vào cơ sở hạ tầng tăng. BMI cho rằng thâm hụt thương mại của Việt Nam sẽ giảm dần sau năm 2011 và Việt Nam sẽ đạt thặng dư thương mại vào những năm 2016-2017.

BMI nhận xét điểm mạnh của Việt Nam là Chính phủ vẫn cam kết công cuộc cải tổ theo định hướng thị trường với mục tiêu tăng gấp đôi GDP (của năm 2000) vào năm 2010. Các bài học trong năm 2008 sẽ giúp Chính phủ Việt Nam cân bằng tốt hơn các mục tiêu chính sách kinh tế và vì thế có thể mang lại sự ổn định kinh tế vĩ mô ngày càng lớn.

BMI cũng dự đoán tăng trưởng GDP của Việt Nam là 7% trong năm 2009 và 8,5% trong năm 2010. Về dài hạn, BMI cho rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ đạt mức bình quân 8% trong giai đoạn 2013-2017.

BMI nhận xét, kinh tế của Việt Nam sẽ phục hồi trong năm 2009. BMI dự báo “sẽ có một sự bùng nổ trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài khi các điều kiện kinh tế ổn định và sẽ tạo ra một động lực cho tăng trưởng trong năm 2010 và 2011”.

Cơ sở của sự phục hồi




Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty
Nidec Tosok (Nhật Bản) trong KCX
Tân Thuận, TPHCM. Ảnh: Đức Trí.

Kinh tế thế giới suy thoái nhưng với đặc thù là nền kinh tế đang phát triển, khả năng năm 2009 Việt Nam vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng trung bình khá, ở mức khoảng 6,5%, với điều kiện phải nỗ lực phấn đấu cao.

Năm 2009, một mặt chúng ta vẫn tiếp tục phải kiềm chế để đảm bảo lạm phát không trở lại, mặt khác là phòng ngừa khả năng suy giảm kinh tế, thực hiện chính sách tài khóa tốt hơn và chú ý hơn nữa tới giải ngân nguồn vốn từ trái phiếu Chính phủ hiệu quả hơn…

Tiến sĩ Đinh Văn Ân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã chia sẻ những kỳ vọng như vậy trong một cuộc tọa đàm bàn tròn nhân dịp đầu năm mới.

Theo ông, một trong những nhiệm vụ trong năm 2009 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là tham mưu cho Chính phủ triển khai thành công gói kích cầu nền kinh tế. Nguồn vốn kích cầu sẽ được ưu tiên cho những lĩnh vực đầu tư có khả năng tiêu thụ các sản phẩm đang bị ứ đọng, giải quyết số lượng lớn công ăn việc làm cho người lao động; giải quyết khó khăn cho một số đối tượng do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu. Ngoài ra, cũng cần ưu tiên dành số tiền này đầu tư cho xây dựng nhà ở xã hội, cơ sở hạ tầng, giao thông...

Do Việt Nam bị ảnh hưởng của khủng khoảng kinh tế toàn cầu chậm hơn nên mức độ cũng thấp hơn các nước khác, bởi trong cơ cấu kinh tế hiện nay, nông nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng, đại bộ phận người dân vẫn sống ở nông thôn. Nói như vậy để thấy được thuận lợi nhưng cũng cần xác định rõ khó khăn trong năm 2009, đòi hỏi phải có sự nỗ lực, phấn đấu cao của tất cả các ngành, các cấp, các doanh nghiệp và toàn xã hội.

“Năm 2009, để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, chúng ta cần nhận thức đúng những yếu tố thuận lợi, được xem như những điểm sáng có thể ảnh hưởng tích cực tới sự phát triển của nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam”, Tiến sĩ Đinh Văn Ân cho biết thêm.

Theo SGGP
  • 0
  • By Admin
  • 04/02/2009
  • 17