BĐS trên khắp thế giới vẫn không ngừng tăng giá
Theo một nghiên cứu của Global Property, tính đến hết quý III/2015, có 28 thị trường trong số 41 quốc gia có giá nhà tăng với mức mạnh nhất là Qatar (16,42%), New Zealand (14,86%) và Hong Kong (12,64%).
Tại châu Âu, BĐS bùng nổ toàn diện ở 15 trên 20 nước có giá nhà tăng. Trong đó, Thụy Điển tăng mạnh nhất với 11,26% tính đến cuối quý III, đây là mức cao nhất kể từ quý II/2006. Có thể là do lãi suất thấp và thiếu nguồn cung nhà ở. Bên cạnh đó, điều kiện kinh tế yếu kém do sự phát triển bất ổn định của khu vực châu Âu và tăng trưởng kinh tế chậm chạp của các nước láng giềng như Na Uy, Phần Lan đã ảnh hưởng đến giá nhà ở tại đây.
Tại Ireland, giá nhà tiếp tục tăng mặc dù tốc độ tăng chậm hơn với 9,24% trong quý III/2015. Hiện, Ireland được xem là nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong EU với mức tăng trưởng GDP được dự báo trong năm 2015 là 4,8%.
Ngoài ra, Romani là thị trường đã quay trở lại mạnh mẽ, bất chấp cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra trong bối cảnh bê bối tham nhũng buộc Thủ tướng Victor Ponta phải từ chức. Những căn hộ tại đây có giá bán trung bình tăng mức kỷ lục 7,57%, như vậy là trái ngược hẳn với sự suy giảm 1,41% so với cùng kỳ năm 2014. Nhu cầu nhà ở tăng và giá trị giao dịch tăng gấp 4 lần so với năm 2014.
Dự báo cho thấy, mức tăng trưởng kinh tế GDP trong năm 2015 là 3,4% và năm 2016 là 3,9%. Những thị trường có giá nhà tăng mạnh khác của châu Âu bao gồm: Iceland tăng 5,27%, Na Uy tăng 4,04%, Anh tăng 3,64%, Hà Lan tăng 2,75% và Lithuania tăng 2.43%.
Dù năm 2015 nền kinh tế thế giới có nhiều biến động và ảnh hưởng trực tiếp đến lĩnh vực BĐS, nhưng giá BĐS trên thế giới vẫn có sự tăng trưởng tích cực |
Tại Nga, sự ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng Ukraine cùng với việc giá dầu giảm sâu trong bối cảnh bị các quốc gia phương Tây trừng phạt và hàng loạt vấn đề khác như khủng hoảng tiền tệ, đồng rúp trượt giá, tỷ lệ lạm phát cao, nền kinh tế dự báo sẽ sụt giảm 3,8%. Những nhà đầu tư trong nước lại thi nhau chuyển vốn ra nước ngoài đã làm giá nhà giảm 13,38% trong quý III/2015.
Tại thị trường Mỹ, tình trạng thiếu hụt nguồn cung đã đẩy giá nhà tăng cao trong thời gian qua. Theo nghiên cứu của Hiệp hội môi giới BĐS Mỹ, trong quý III/2015, có tới 154/178 thành phố của quốc gia này ghi nhận xu hướng tăng giá nhà đất so với cùng kỳ năm trước. Trong quý III/2015, giá nhà tăng 1,34% so với quý trước. Giá nhà tại Canada cũng có sự tăng mạnh bất chấp chính phủ đã đưa ra hàng loạt các biện pháp làm mát thị trường. Cụ thể, tính đến quý III/2015, giá nhà đã tăng 4,57%.
Thị trường nhà ở Trung Đông với sự bùng nổ mạnh mẽ của Qatar, được hỗ trợ bởi sự tăng trưởng dân số và kinh tế, ngành xây dựng tăng mạnh phục vụ cho World Cup 2022 đã đẩy giá nhà tăng vọt lên 16,42% trong quý III năm ngoái. Nhu cầu nhà ở tăng mạnh, giá trị giao dịch BĐS tại đây đã tăng 18% với 9,8 tỷ USD trong nửa đầu năm 2015 và gần như tăng gấp 3 lần trong vòng 5 năm qua.
Trong khi đó, thị trường Dubai lại chịu tác động nặng nề nhất của việc giá dầu giảm xuống mức thấp nhất trong 7 năm qua. Giá nhà tại Dubai đã giảm 14,1% trong quý III/2015. Giá nhà tại quốc gia này được dự báo sẽ tiếp tục giảm từ 10 – 15% do các quy định chặt chẽ của chính phủ, lạm phát tăng cao và do sự phụ thuộc phần lớn vào dầu mỏ của nền kinh tế.
Tại châu Á, 6 trong số 10 thị trường có giá nhà tăng trong năm 2015. Trong đó, Hong Kong là thị trường được đánh giá là đắt đỏ nhất thế giới với giá BĐS tăng 12,64% trong quý III/2015. Trong 10 tháng của năm 2015, tổng số căn nhà được bán giảm 7,8% so với cùng kỳ năm 2014, song giá trị các cuộc giao dịch tăng 3% với 47,21 tỷ USD. Tuy suy thoái kinh tế, nhưng giá nhà đất tại Nhật Bản đã tăng mạnh với 8,79% trong quý III/2015 và so với quý trước tăng 1,98%.
Trong năm 2015, Trung Quốc là thị trường trở lại mạnh mẽ nhất với nhiều biến động. Chính phủ nước này đã thực hiện nhiều biện pháp để hỗ trợ thị trường nhà ở, đồng thời giảm mức tồn kho bằng cách chuyển đổi các BĐS chưa bán hết thành nhà thu nhập thấp, tiếp tục cắt giảm lãi suất cho vay và nới lỏng các điều kiện thế chấp,…
Kết quả cho thấy, trong 9 tháng của năm 2015, giá trị và các lĩnh vực bán hàng BĐS ở Trung Quốc đã tăng 18,2% và 8% tương ứng so với một năm trước đó. Báo cáo tháng 11 của Cục thống kê quốc gia này cũng cho hay, trong số 70 thành phố trên khắp Trung Quốc thì có 33 thành phố ghi nhận xu hướng tăng giá bán nhà, tăng 6 thành phố so với tháng 10/2015. 10 thành phố có giá giữ ổn định và 27 thành phố có giá nhà giảm.
Thái Lan, Hàn Quốc cũng có giá nhà đất đã tăng 3,4% trong quý III/2015. Cụ thể, doanh số bán nhà tại Hàn Quốc tăng 30% so với cùng kỳ, mức cao nhất kể từ năm 2006. Nhưng giá nhà tại Singapore lại giảm 3,62%, Indonesia giảm 1,49% và Đài Loan giảm 2,95%.
Trong khi đó, thị trường nhà đất tại Việt Nam được xem là ổn định nhất với giá nhà giảm 0,06% trong quý III/2015 và không thay đổi so với quý trước. Theo đó, mức tăng trưởng kinh tế GDP đạt được trong năm là 6,68%, đây là tốc độ tăng trưởng nhanh nhất kể từ năm 2011.
- 252
- By Admin
- 10/03/2016
- 17