BĐS thời khó khăn: Tìm lợi thế trên "sân nhà"?
Ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch HĐQT CTCP Đá ốp lát cao cấp Vinaconex (Vicostone) cho biết, Công ty đang gấp rút hoàn tất các thủ tục cần thiết để sớm khởi công dự án nhà ở cho cán bộ công nhân viên tại huyện Thạch Thất, Hà Nội vào cuối quý III/2011. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 581,74 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn tự có, vốn vay từ các tổ chức tín dụng và vốn huy động khác. Dự kiến, dự án hoàn thành vào quý IV/2013 trên khu đất rộng khoảng 9.165 m2. Dự án có quy mô 800 căn hộ và theo ông Năng, giá bán dự kiến khoảng 11 - 12 triệu đồng/m2.Khác với dự án nhà ở dành cho người có thu nhập thấp, với dự án này, Công ty đã hoàn tất nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Vì thế, Vicostone có thể bán thương mại ra thị trường nếu cán bộ nhân viên trong DN không đăng ký mua hết. Người mua nhà cũng được nhận sổ hồng ngay sau khi chủ đầu tư bàn giao nhà và có thể giao dịch mua bán mà không bị hạn chế thời gian chuyển nhượng.
Với mức giá như trên, Vicostone rất tin tưởng vào khả năng bán sản phẩm, bởi đến thời điểm dự án hoàn tất, hạ tầng khu vực Thạch Thất, Láng - Hòa Lạc sẽ có diện mạo mới. Khi ấy, một loạt trường đại học cũng sẽ được di dời đến và nhu cầu về nhà ở sẽ tăng mạnh. Theo đề án của chủ đầu tư, sau khi hoàn thành, căn hộ sẽ được bán cho cán bộ nhân viên thuộc Công ty Vicostone, StyleStone và CTCP Chế tác đá Việt Nam.
Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) và một số đơn vị thành viên cũng đang thực hiện kế hoạch xây dựng nhà ở cho cán bộ nhân viên với mục tiêu đến năm 2015, mỗi cán bộ ký hợp đồng dài hạn có nhu cầu mua nhà ở đều được đáp ứng. Đầu năm 2011, một số dự án tại Vũng Tàu theo hình thức đầu tư này đã được chào bán cho cán bộ nhân viên với giá 12 - 13 triệu đồng/m2. Các dự án nhà ở của cán bộ công nhân viên PVC giai đoạn 1 với tổng vốn ước 100 tỷ đồng, dự án nhà ở cho cán bộ công nhân viên Nhà máy Lọc dầu Dung Quất… cũng đang được triển khai.
Theo lãnh đạo Tổng công ty PVC, yếu tố lợi nhuận không được đặt hàng đầu khi đầu tư những dự án trên, đảm bảo chất lượng cuộc sống và tạo ra sự yên tâm, gắn bó với công việc là ưu tiên lớn nhất của các chủ đầu tư. Mức tỷ suất lợi nhuận phổ biến của mỗi dự án chỉ ở mức 7 - 10% trên tổng vốn đầu tư.
Đây cũng là chủ trương của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), khuyến khích các DN thành viên đầu tư dự án bất động sản nhà ở cho cán bộ nhân viên. Với những dự án loại này, DN có thuận lợi là đầu ra tương đối ổn định và nhìn thấy trước. Hiện đất đai cũng dễ tiếp cận và có mức giá rẻ hơn so với trước đây, khó khăn lớn nhất chính là nguồn vốn để triển khai các dự án. Nhiều đơn vị thành viên PVN đã đề nghị Tập đoàn có chính sách hỗ trợ bằng cách dành ra một khoản vốn khoảng 100 - 200 triệu USD gửi tại một ngân hàng thương mại, ngân hàng đó sẽ tài trợ lại vốn cho các dự án bất động sản của các đơn vị trong Tập đoàn với lãi suất ưu đãi. Cán bộ nhân viên trong Tập đoàn được mua nhà và hỗ trợ vốn vay 50%, khấu trừ dần vào lương và thu nhập… Tại một số dự án do DN họ dầu khí triển khai với mục đích thương mại cũng đã dành khoảng 20 - 30% bán cho cán bộ nhân viên với giá ưu đãi.
Trên thực tế, có nhiều dự án chủ đầu tư ban đầu đặt ra mức lợi nhuận dự toán rất thấp, song nhờ sự đảo chiều của thị trường đã thắng lớn. Năm 2008, một DN họ Vinaconex đầu tư hơn 30 căn nhà thấp tầng và 4 tòa chung cư tại Vĩnh Phúc với mục tiêu lợi nhuận dưới 10% trên vốn đầu tư. Đến thời điểm bán hàng, nhờ thị trường khởi sắc, mức lợi nhuận thu được đã tăng gấp đôi, thậm chí ở một số hạng mục như nhà thấp tầng, tỷ suất lợi nhuận đạt tới 30%.
(Theo ĐTCK)
- 0
- By Admin
- 09/08/2011
- 17