• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

BĐS nghỉ dưỡng: Nên gọn lại để sống

Thay vì mở rộng quy mô lên hàng trăm ha, nhiều chủ đầu tư BĐS nghỉ dưỡng hiện nay đã thực tế hơn khi tập trung vào chất lượng của dự án, nhìn vào nhu cầu của khách hàng.

Tuy nhiên, khác với vài năm trước, thay vì vạch ra kế hoạch cho một dự án càng lớn, càng hoành tráng càng tốt, hiện một số ông chủ đã tự “biết mình biết ta”.

Dự án BĐS nghỉ dưỡng càng hoành tráng càng khó đầu tư

Đặc thù của phân khúc BĐS du lịch - nghỉ dưỡng là vừa kén địa điểm, vừa kén khách hàng, đồng thời lại phải bỏ ra một lượng vốn đầu tư lớn. Do đó, thực tế từ nhiều năm trước, không mấy chủ đầu tư còn mặn mà với kênh đầu tư này.

Ngay tại một thị trường rộng lớn như miền Bắc, các dự án BĐS nghỉ dưỡng cũng chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Trong các dự án đó, nổi bật lên là những cái tên như Vinaconex với chuỗi dự án ở Cát Bà, Archi với chuỗi dự án ở Ba Vì, Tập đoàn Tuần Châu, Xanh Villas của Xuân Cầu…

Tuy nhiên, không khó để nhận ra rằng, ngoài những dự án hiện nay còn trụ lại được như Xanh Villas, Top Hill Yên Bài, Flamingo…, số còn lại đều “đoản mệnh” do tác động bất lợi của nền kinh tế cũng như tính hiếu thắng của các chủ đầu tư.

Đầu tư dự án BĐS nghỉ dưỡng
Đầu tư dự án BĐS nghỉ dưỡng quy mô nhỏ gọn dễ thành công hơn 

Hiện nay, hàng loạt dự án ở khu Ba Vì của Archi Land, Cát Bà Amatina hay một số dự án ở khu Tuần Châu dường như đã biến mất khỏi bản đồ BĐS nghỉ dưỡng, hoặc có chăng cũng đang hoạt động rất chật vật.

Một vị giám đốc có chuỗi BĐS nghỉ dưỡng ở Ba Vì thừa nhận, sở dĩ họ thua ở phân khúc này vì đã sai lầm trong việc phát triển dự án. Thay vì tập trung nguồn vốn để thực hiện một dự án hoàn chỉnh, doanh nghiệp lại dồn tiền để gom đất, làm một lúc 3 - 4 dự án. Khi thị trường rơi vào khó khăn, vốn từ khách hàng không huy động tiếp được, chủ đầu tư buộc phải bán lại một số dự án mà họ đã phải chi “tiền tấn” để có được. Tuy vậy, tìm được khách mua cũng không phải chuyện dễ.

Một dự án BĐS nghỉ dưỡng khác của một tổng công ty lớn ở Cát Bà cũng có chung số phận. Sau nhiều năm khuếch trương, giới thiệu rầm rộ, hiệu quả kinh tế của dự án này đã bị “âm nặng” do lượng hàng tồn còn quá lớn. Chỉ phân nửa lượng biệt thự của dự án được khách hàng đón nhận, trong khi số còn lại được dự kiến vào trong vốn và lợi nhuận thì vẫn còn bỏ hoang.

Nên thu gọn lại để sống

Khi nói về thất bại của đơn vị mình, lãnh đạo doanh nghiệp này cũng thừa nhận “lẽ ra nên làm nhỏ hơn tý thì thắng”.

Một số doanh nghiệp BĐS khác tại Lương Sơn (Hòa Bình) hay ngay cả thiên đường du lịch như Đà Nẵng, Phú Quốc… cũng không phải là “dễ dàng” nếu như không lường hết nhu cầu hấp thụ của thị trường vốn được biết đến là khá kén khách này.

Chính vì rút ra được những bài học đó nên một số doanh nghiệp BĐS hiện nay đã thu nhỏ quy mô dự án lại. Ông Lê Quốc Lương, đại diện Công ty CP Đầu tư Bảo Thắng cho hay, thay vì đầu tư hàng chục ha, doanh nghiệp chỉ đầu tư ở quy mô 4,2 ha, xây dựng một khu nghỉ dưỡng đúng nghĩa, cho dù diện tích đất của cả khu thuộc quyền sử dụng cảu doanh nghiệp này lên tới 16 ha.

Cũng theo vị đại diện này, năm nay, nhu cầu cũng như thanh khoản của BĐS nghỉ dưỡng chắc chắn sẽ tăng, những dòng sản phẩm có giá vừa phải đang nhận được nhiều lời đề nghị từ phía khách hàng.

Một trường hợp tương tự là VinaLiving, doanh nghiệp đang sở hữu dự án The Point tại Đà Nẵng. Đại diện của đơn vị này cũng khẳng định “làm dự án to không hề đơn giản”.

Theo ông Matthew Koziora, Giám đốc Marketting của VinaLiving, để làm một dự án BĐS nghỉ dưỡng có quy mô lớn trong giai đoạn hiện nay là bài toán mạo hiểm và rủi ro cao. Do vậy, mặc dù diện tích đất của The Point khá lớn nhưng doanh nghiệp này chỉ đầu tư 40 căn biệt thự cho hai giai đoạn.

“Làm thủ tục cho một dự án BĐS nghỉ dưỡng không hề đơn giản, dự án lớn lại càng phức tạp và tốn nhiều thời gian hơn. Phải qua rất nhiều khâu, rất nhiều bước nên có khi phải mất hàng chục năm trời. Do đó, phải tuỳ thuộc theo nhu cầu của thị trường vào từng thời điểm để quyết định quy mô của dự án”, vị này nói.

  • 0
  • By Admin
  • 23/05/2015
  • 17