BĐS nghỉ dưỡng: Cơ hội chia đều
Không còn là đặc quyền của khối ngoại
Thực tế cho thấy, nếu như giai đoạn năm 2008, thị trường BĐS nghỉ dưỡng chủ yếu được phát triển bởi các nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nội hầu như chỉ dạo chơi hay liên kết với khối ngoại thì hiện tại, nhiều tên tuổi lớn trong nước đã nắm giữ vai trò thống lĩnh trong sân chơi này. Những cái tên như Vingroup, Sun Group, FLC, BIM Group, LDG Group… đang nổi lên với nhiều dự án có vốn đầu tư hàng ngàn tỉ đồng.
BĐS nghỉ dưỡng đang từng bước trở lại quỹ đạo sôi động chung của thị trường. Ảnh: Phương Uyên |
Dẫn đầu làn sóng phát triển BĐS nghỉ dưỡng phải kể đến Vingroup với việc mạnh tay chi gần 9.000 tỷ phát triển một loại dự án nghỉ dưỡng lớn ở Phú Quốc như Vinpearl Villas Phú Quốc, Vinpearl Phú Quốc, Khu vườn bách thú hoang dã Safari,…LDG cũng nhắm vào Phú Quốc khi đầu tư hơn 4.600 tỷ đồng phát triển dự án Biệt thự biển Grand World. Sun Group cũng không kém cạnh với các dự án lớn như J.W Mariott, Premier Village Phú Quốc Resort, Ritz-Carlton Resort & Spa, The Sebel với tổng số vốn đăng ký 8.627 tỷ đồng. Ngoài ra doanh nghiệp này cũng đang khởi động dự án Sân Bay Quốc tế Đà Nẵng. Trong khi đó, CEO Group hiện đang phát triển 3 dự án lớn gồm Sonasea Villas & Resort, Sonasea golf và Sonasea Residences ở khu vực này.
Nha Trang cũng thu hút không ít doanh nghiệp trong nước với những dự án căn hộ nghỉ dưỡng tầm cỡ như Royal Marina của Tập đoàn Phúc Sơn, khu nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế Riviera Resort của Công ty TNHH Du lịch Cam Ranh, khu đô thị Mipeco của Công ty Xăng dầu Quân Đội...
Bên cạnh đó, một số khu vực mới nổi như Vũng Tàu, Quảng Ninh hay Thanh Hóa cũng lần lượt xuất hiện trong bức tranh phát triển BĐS nghỉ dưỡng của nhiều doanh nghiệp. Đơn cử, Sun Group đầu tư phát triển hệ thông cáp treo 6.000 tỷ tại Quảng Ninh; Vingroup đầu tư dự án Khu quần thể vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng tại đảo Rều; và gần đây là dự án khu Sầm Sơn Resort đều tại Thanh Hóa.
Khu vực Tp.HCM cũng xuất hiện nhiều dự án biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp như dự án Saigon Sunbay của Tập đoàn Vingroup với tổng kinh phí khoảng 8.470 tỷ đồng. Vạn Phúc Group đầu tư phát triển dự án KDC Vạn Phúc Riverside có quy mô 198ha, là dự án Khu đô thị lớn nhất thuộc Đông Bắc Tp.HCM với các tiện ích cao cấp phục vụ an cư và nghỉ dưỡng… Công Ty BĐS Nam Hải đầu tư xây dựng Khu đô thị Biển Marine City (Vũng Tàu) với mục tiêu thu hút nhiều khách hàng từ các tỉnh thành cả nước như Tp.HCM, Hà Nội, Bình Dương… Đơn vị phân phối SGD BĐS Hưng Hưng Thịnh cho biết, hơn 70% nền đất biệt thự của dự án đã được đặt mua.
Kênh đầu tư ngày càng hấp dẫn
Đầu tư vào các biệt thự nghỉ dưỡng là một kênh mang lại lợi nhuận ổn định. Giá bán các biệt thự thường ở mức từ 2-7 tỷ đồng/căn, bằng mức giá bán nhà phố/căn hộ thông thường, trong khi loại hình này lại có thể cho thuê với giá cao, từ 2000 – 3000 usd/tháng. Việc cho thuê sẽ thuận lợi hơn khi lượng kiều bào, khách nước ngoài dự báo sẽ tăng nhanh trong thời gian tới. Cùng với nhiều chính sách ưu đãi của chủ dự án, phân khúc BĐS nghỉ dưỡng đang trở thành một trong những kênh đầu tư được ưa chuộng.
Một dự án BĐS nghỉ dưỡng thu hút đông đảo nhà đầu tư. Ảnh: Phương Uyên |
Tuy nhiên, theo Chuyên gia kinh tế Ngô Đình Hãn, đầu tư BĐS nghỉ dưỡng ven biển cần dòng tiền dài hạn, là kênh đầu tư đầy thách thức đối với việc phân bổ dòng vốn sao cho hợp lý. Với 3 tỷ đồng đầu tư vào một sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng, nhà đầu tư có thể khai thác 12%/năm bao gồm 8% khai thác và 4% gia tăng giá trị tài sản. Đây cũng là mức cam kết của nhiều dự án thực tế đang triển khai trên thị trường. Ngoài ra, loại hình BĐS này cũng được xem là tài sản tích lũy khá tốt theo thời gian với thời gian thu hồi vốn từ 6-10 năm, tùy thuộc vào chu kỳ. Sau chu kỳ 5 năm, BĐS nghỉ dưỡng có thể tăng giá trị 30% so với thời gian đầu. Thực tế cho thấy, nhiều dự án BĐS nghỉ dưỡng đang tăng giá mạnh từ 20 – 50% chỉ sau vài năm.
Ngoài nguồn lợi ngày càng hấp dẫn, Hiệp định TPP cũng được xem là một trong những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp nội hào hứng với thị trường BĐS nghỉ dưỡng. Sau khi Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương TPP có hiệu lực, các chuyên gia nhận định, BĐS nghỉ dưỡng sẽ là một trong những phân khúc có tiềm năng phát triển và hưởng lợi nhiều nhất. Hiện tại, Việt Nam vẫn được đánh giá là một trong các quốc gia có sự ổn định về kinh tế và chính trị tốt nhất khu vực. Chính sách mở cửa kinh tế càng giúp Việt Nam tăng sức hút với kiều bào, người nước ngoài muốn sở hữu BĐS tại Việt Nam, doanh nghiệp nội càng chú trọng đón đầu hiệp định TPP, gia tăng cung cấp các dịch vụ nghỉ dưỡng cho người Việt Nam và người nước ngoài.
Ông Jonathan Tizzard – Giám Đốc Bộ phận Nghiên cứu & Định giá Cushman & Wakefield nhận định, thật khó để đánh giá chính xác những dự đoán trước đây của mọi người về tác động của TPP đối với Việt Nam, nhưng với TPP mới đạt được thỏa thuận cùng với các hiệp định thương mại tự do khác mà Việt Nam đã và đang tham gia sẽ tiếp tục mang đến những tác động tích cực cho thị trường BĐS ở nhiều phân khúc và BĐS nghỉ dưỡng là một trong các phân khúc hưởng nhiều lợi ích. Số lượng người dân có khả năng mua nhà ở, căn hộ đắt tiền sẽ tăng lên, chưa kể nhu cầu nghỉ dưỡng và các hạng mục liên quan khác mà các chuyên gia nước ngoài và người dân có thu nhập cao hơn sẽ quan tâm. Những điều này rõ ràng mang lại niềm tin cho cả doanh nghiệp và nhà đầu tư với phân khúc BĐS nghỉ dưỡng.
Phương Uyên
(Theo Tuổi trẻ online)
- 0
- By Admin
- 01/12/2015
- 17