BĐS nghỉ dưỡng Bình Thuận: Thừa dự án, thưa dịch vụ
Có thể thấy, trong nhiều năm liền, Bình Thuận, hay nói hẹp hơn là Mũi Né - Phan Thiết (MN - PT), chỉ quan tâm đến việc sẽ có được bao nhiêu dự án, kết quả đã vượt trên con số 80, nhưng giải pháp để giữ du khách lưu trú lâu hơn, làm cách nào để “kích” họ tiêu tiền và trở lại thêm nhiều lần nữa lại là điều mà cả cơ quan quản lý địa phương lẫn DN khai thác khu nghỉ dưỡng “bỏ quên” suốt thời gian qua.Một vài chủ đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng ở Mũi Né - Phan Thiết đang tính đến chuyện tìm nhà khai thác vận tải đường biển, cùng làm việc với cơ quan quản lý Bình Thuận để rút ngắn khoảng thời gian di chuyển của du khách.
Không có sân bay, phương tiện đến Phan Thiết hiện nay chủ yếu bằng tàu hỏa và ô tô. Tuy nhiên, du khách hiện phải mất trung bình 5 - 6 giờ với điểm khởi hành từ Tp.HCM.
Không chỉ là hạ tầng kết nối, người ta đang lo lắng câu chuyện khai thác dịch vụ du lịch như thế nào. Quả đúng như cái tên mà Phan Thiết được đặt theo theo cách quảng bá: “Thiên đường nghỉ dưỡng”.
Và như thế, khi đến đây, du khách chỉ để nghỉ và dưỡng. Bởi loay hoay mãi thì họ cũng được thăm thú Đồi cát trắng, Bàu Sen, Cảng Cá, Tháp Phônsanư... Mấy điểm này thì ngay cả trẻ con đi xong một lần cũng nhẵn cả mặt, huống chi người lớn.
Vài năm trở lại đây, du lịch MN - PT có tiến bộ khi đưa các dịch vụ thể thao biển đi vào khai thác, nhưng xem ra cũng dừng lại ở màn dù lượn để “vuốt ve” khách quốc tế. Nếu không có những thứ này, bãi biển MN - PT chỉ để dành đi tắm và ngồi ăn hải sản.
Mức độ hấp dẫn của MN - PT cũng được Tổng cục Du lịch Việt Nam viết thành số: mỗi năm Bình Thuận thu hút 300.000 lượt khách du lịch quốc tế và hơn 1 triệu lượt khách nội địa. Theo đó, tổng doanh thu của ngành du lịch tại đây vượt cả Nha Trang lẫn Đà Nẵng.
Doanh nghiệp (DN) cũng căn cứ vào những thống kê này để đầu tư dự án. Thấy được tiềm năng nhưng DN cũng không khỏi lo ngại câu chuyện 5 năm nữa, 10 năm nữa, nếu chỉ đơn thuần là phát triển một dự án cạnh biển (có thể kết hợp với sân golf), liệu tiềm năng đó có mãi mãi trở thành “tiềm ẩn”?
Nói về việc khai thác các dịch vụ “ăn theo”, người làm du lịch Việt phải... dài dài học hỏi. Ngay như dịch vụ y tế, ai đi du lịch MN - PT có bị hắt hơi, sổ mũi… đều chỉ đến một địa chỉ duy nhất là Dr. Đông.
Nghe thì có vẻ “thuần Việt”, nhưng người bỏ tiền xây dựng phòng khám đa khoa hoành tráng này lại là một người Nga. Họ thuê bác sĩ, dược sĩ người Việt biết nói cả tiếng Anh – Pháp – Nga vào làm, khách cứ thế đông nườm nượp.
Không chỉ khai thác mảng “Tây y”, người Nga còn phát triển các cửa hàng bán thuốc Đông y lẫn thực phẩm chức năng, mấy “món” này được khách du lịch Nga rất chuộng.
Trong khi đó, ở mảng giải trí, nghe đâu các chủ đầu tư cũng định kiến nghị với tỉnh về việc kéo một “ông cỡ bự” trong ngành về đây.
Bởi vì, trong tương lai, so về vị trí địa lý, cảnh quan lẫn cách tổ chức, khu vực Hồ Tràm, Long Hải, Hồ Cóc (Bà Rịa - Vũng Tàu) xem ra là đối thủ đáng gờm, với hơn 50 dự án về du lịch, trong đó có khu “trò chơi có thưởng, casino” Hồ Tràm Strip hơn 4 tỷ USD vẫn đang miệt mài thi công.
Trên thực tế, trước đây, cũng đã có DN nước ngoài đến MN - PT xin đầu tư khu vui chơi giải trí kiểu Disneyland, nhưng do không thỏa thuận được địa điểm nên nhà đầu tư một đi không trở lại.
Có thể thấy, trong nhiều năm liền, Bình Thuận, hay nói hẹp hơn là MN - PT, chỉ quan tâm đến việc sẽ có được bao nhiêu dự án, kết quả đã vượt trên con số 80, nhưng giải pháp để giữ du khách lưu trú lâu hơn, làm cách nào để “kích” họ tiêu tiền và trở lại thêm nhiều lần nữa lại là điều mà cả cơ quan quản lý địa phương lẫn DN khai thác khu nghỉ dưỡng “bỏ quên” suốt thời gian qua.
(Theo DNSG)
- 0
- By Admin
- 22/03/2012
- 17