BĐS nghỉ dưỡng: Bao giờ cho đến...tháng Bảy?
Chính sách sẽ có tác động lớn đến thị trường
Các chủ đầu tư đều cho rằng, thị trường BĐS sẽ giảm hàng tồn kho khi chính sách trên có hiệu lực. Trong đó những chủ đầu tư BĐS nghỉ dưỡng thể hiện rõ sự trông đợi hơn cả. Bởi đây được cho là loại hình BĐS phù hợp nhất với nhóm khách hàng là người nước ngoài vì chi phí đầu tư khá cao. Đồng thời nó cũng chỉ phù hợp với những người mua với mục đích đầu tư và coi sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng như ngôi nhà thứ hai để phục vụ cho nhu cầu giải trí cuối tuần hoặc các kì nghỉ dài. Giá bán các căn biệt thự của các dự án BĐS nghỉ dưỡng thường dao động khoảng 250.000 USD đến 2 triệu USD/căn.
BĐS nghỉ dưỡng là hình thức chủ đầu tư triển khai xây dựng những căn biệt thự, căn hộ tại các khu nghỉ dưỡng để bán. Những nhà đầu tư biệt thự, hoặc căn hộ tại các khu nghỉ dưỡng sau khi mua có thể ủy quyền cho chủ đầu tư kinh doanh, cho khách thuê như mô hình khách sạn thường thấy và được nhận một tỷ lệ phần trăm nào đó – tùy theo thỏa thuận của từng đơn vị.
Một dự án BĐS nghỉ dưỡng ven biển đang được đầu tư. Ảnh: Huyền Ngân |
Hiện tại chưa có số liệu thống kê về số lượng dự án BĐS nghỉ dưỡng đã được đầu tư, lượng dự án đã bán hết hay mức tiêu thụ của thị trường này ra sao. Tuy nhiên, theo các chuyên gia BĐS, nhìn trên quy mô toàn bộ thị trường cũng có hàng trăm dự án. Trong đó, những dự án BĐS nghỉ dưỡng ven biển bao giờ cũng có sức tiêu thụ tốt hơn BĐS nghĩ dưỡng ở đồng bằng hoặc trên núi. Ngoài việc lệ thuộc vị trí, sản phẩm bán được còn tùy vào chính sách cũng như thương hiệu của các nhà đầu tư.
Số liệu của Bộ Xây dựng cũng cho thấy, tổng giá trị tồn kho của thị trường BĐS Việt Nam tính đến ngày 15/12/2014 còn khoảng 73.889 tỉ đồng, đã giảm khoảng 22% so với năm 2013. Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục quản lý Nhà và thị trường BĐS, Bộ Xây dựng, việc nới các điều kiện cho người ngoại quốc được sở hữu nhà ở sẽ có tác động lớn đến thị trường BĐS Việt Nam trong thời gian sắp tới.
BĐS nghỉ dưỡng có thêm nguồn cung
BĐS nghỉ dưỡng là phân khúc đã được đầu tư từ khoảng dăm bảy năm nay với các tên tuổi như Hyatt Regency Danang (Đà Nẵng) của Indochina Land, Cát Bà Amatina (Hải Phòng), Flamingo Đại Lải, FLC Samson Golf Links & Resort, Sonasea Villas & Resort của chủ đầu tư CEO Group...
Mặc dù thị trường BĐS nghỉ dưỡng được cho là chưa có sự cải thiện về sức mua và còn nhiều sản phẩm tồn kho nhưng gần đây vẫn có nhiều chủ đầu tư cho ra mắt các sản phẩm mới.
Đơn cử, tại Bình Thuận, cuối năm 2014, Công ty Du lịch Nhà Bè Bình Thuận và Công ty Đầu tư BĐS Việt An Hòa đã phối hợp tung ra dự án Ocean View Villa & Resort, dự án căn hộ, biệt thự nghỉ dưỡng và khu khách sạn tại Hàm Thuận Nam sẽ giao nhà vào cuối năm 2015...
Không chỉ thành công với phân khúc BĐS căn hộ, mới đây "ông lớn" VinGroup cũng hướng sang đầu tư BĐS nghỉ dưỡng với dự án Vinpearl Premium. Dự án này được Vingroup đầu tư đồng loạt ở cả 3 vùng biển gồm Phú Quốc, Nha Trang và Đà Nẵng.
Trả lời câu hỏi vì sao lại chọn thời điểm này để tham gia thị trường BĐS nghỉ dưỡng, một đại diện của VinGroup lý giải, việc nới lỏng điều kiện cho người nước ngoài mua nhà từ 1/7/2015 tới sẽ giúp cho thị trường này tiêu thụ tốt hơn. Đồng thời, việc chứng tỏ được thương hiệu ở các loại hình BĐS khác cũng sẽ tạo thuận lợi cho Tập đoàn kinh doanh BĐS nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, do đi sau một số thương hiệu khác, nên muốn hút khách, thương hiệu của Vingroup sẽ phải đưa ra chính sách tốt hơn cho người mua.
Ông Robert Mclntosh, Giám đốc điều hành CBRE Hotels Châu Á - Thái Bình Dương đánh giá, từ những tháng cuối năm 2013 đến nay, thị trường BĐS Việt Nam có nhiều dự án đầu tư lớn vào lĩnh vực khách sạn - nghỉ dưỡng. Các dự án trải dài từ Bắc vào Nam, với số vốn đầu tư đăng ký từ hàng chục triệu cho tới hàng trăm triệu USD.
Lý giải nguyên nhân việc dù còn hàng tồn kho khá nhiều nhưng BĐS nghỉ dưỡng vẫn có thêm sản phẩm mới, ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc đầu tư vào BĐS nghỉ dưỡng tại Việt Nam hiện có rất nhiều tiềm năng. Lợi thế du lịch của Việt Nam có sức hút mạnh mẽ với cả nhà đầu tư nội và ngoại trong việc đầu tư BĐS nghỉ dưỡng.
Ông Võ cũng cho rằng: “Đầu tư vào một khu vực có tiềm năng lớn về du lịch như Việt Nam, lượng khách đến đông sẽ giúp dự án có khả năng thu hồi vốn nhanh hơn so với các loại hình không phải về du lịch. Cơ hội thu hồi vốn trong đầu tư BĐS nghỉ dưỡng ở Việt Nam là khả thi.”
Ngoài ra, giới chuyên gia cũng cho rằng, thông tin Việt Nam có thứ hạng cao trong danh sách các điểm nghỉ ngơi lý tưởng nhất thế giới của tạp chí International Living khiến BĐS nghỉ dưỡng tại nước ta sẽ hấp dẫn nhà đầu tư cả trong nước và nước ngoài. Vì theo hiệu ứng "đàn sếu bay", các nhà đầu tư trong nước thường có xu hướng mua theo nhà đầu tư nước ngoài.
- 0
- By Admin
- 09/03/2015
- 17