• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

BĐS không tụt dốc như chứng khoán?

Ông Paul Song cho rằng, mặc dù giữa thị trường BĐS và TTCK có mối quan hệ và nhiều nét tương đồng, nhưng xét ở một góc độ nào đó, giữa hai thị trường này vẫn tồn tại một số điểm khác biệt.

Cụ thể, thị trường BĐS có tính thanh khoản cao hơn chứng khoán vì nếu như thị trường có đi xuống, nhà đầu tư vẫn bán được, hay ít ra cũng cho thuê. Còn TTCK mà sụp đổ, nhà đầu tư chỉ có nước trắng tay! Ngoài ra, kinh doanh BĐS cũng ít giao dịch theo cảm tính, tâm lý bầy đàn hơn.

 BĐS không tụt dốc như chứng khoán?
BĐS phát triển quá nóng sẽ ảnh hưởng đến đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Theo ông Paul Song, hiện đã có một số người so sánh hình ảnh thị trường BĐS ở Việt Nam giống như hình ảnh của thị trường BĐS Mỹ thời gian qua. Tuy nhiên, đó là một sự so sánh khập khiễng. Ông Paul Song cho rằng, giá BĐS ở Mỹ cao là do phần lớn các giao dịch nhà đất ở đây đều thông qua việc thế chấp, vay ngân hàng rất dễ dàng thậm chí có ngân hàng cho vay tới 90-100% giá trị của BĐS.

Ngoài ra cũng phải nói đến cơ chế tín chấp điều chỉnh ARM, (do các tổ chức tín dụng tư nhân thực hiện). Với ARM, ai cũng có thể mua nhà được bất luận có tiền hay không! Hậu quả, là hàng triệu dân Mỹ nhảy vào đầu cơ BĐS để cuối cùng chịu không nổi lãi suất ngân hàng đành phải bán tháo BĐS với giá rẻ mạt. Người ta ước tính rằng, tỷ lệ nhà không bán được ở Mỹ hiện ở mức cao nhất kể từ sau chiến tranh Thế giới lần thứ hai.

Trong khi đó, giá BĐS ở Việt Nam cao là do nguồn cung thấp hơn cầu, thị trường thứ cấp (mua đi bán lại) phát triển nóng hơn thị trường sơ cấp (nhà đầu tư phát triển dự án lúc ban đầu) .

Tăng nguồn cung

Tuy nhiên, ông Paul Song cho rằng, đã có mối liên hệ giữa vấn nạn tín dụng cầm cố BĐS ở Việt Nam và Mỹ. Ở Mỹ vấn nạn cầm cố tín dụng đã làm quả bong bóng BĐS "nổ tan tành", góp phần làm cho nền kinh tế Mỹ suy thoái trầm trọng. Từ đó tác động xấu đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Về mối quan hệ với cuộc khủng hoảng tài chính ở Châu Á năm 1997, theo ông Paul Song, thị trường BĐS ở Việt Nam hiện có nhiều điểm khác biệt so với Thái Lan cách đây 10 năm và không có gì chắc chắn là một kịch bản tương tự sẽ xảy ra ở Việt Nam. Tuy nhiên, do Việt Nam đã vào WTO, ít nhiều đã gắn nền kinh tế của mình với thế giới, nên Chính phủ Việt Nam cũng cần có những chính sách điều tiết kinh tế vĩ mô hài hòa để kiềm chế lạm phát, hạ nhiệt thị trường BĐS. Đặc biệt, cần có chính sách tăng nguồn cung, giảm giá nhà để thu hút đầu tư nước ngòai.

Ông Paul Song cho rằng, việc công ty nghiên cứu thị trường BĐS Cushman &Wakefield mới đây đưa ra bản báo cáo xếp Việt Nam vào hàng thứ 13 trong top các quốc gia có giá thuê cao ốc văn phòng cao ngất là mộtbất lợi lớn. Giá thuê cao có thể khiến các nhà đầu tư chuyển hướng sang các nước như Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc... để có được chi phí rẻ hơn.

Về lâu dài, Việt Nam nên đẩy mạnh việc cải cách hành chính trong khâu thẩm định, cấp phép xây dựng, nên có văn phòng phát triển địa ốc, luật tài chính BĐS cũng như hình thành các quỹ phát triển nhà ở xã hội, quỹ đầu tư tín thác BĐS.

Theo Vtv.vn

  • 311
  • By Admin
  • 26/03/2008
  • 17