• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

BĐS công nghiệp giải trí: Tiềm năng chưa được đánh thức

Đó là nhận định của các chuyên gia trong nước và quốc tế tham gia Hội nghị Triển lãm VIREC 2012 với chủ đề “Bất động sản và công nghiệp giải trí - hai lĩnh vực, một đích đến” do Công ty G4B phối hợp với Hiệp hội BĐS Việt Nam vừa tổ chức tại Tp.HCM.

Trong những năm gần đây, các công viên chủ đề được đánh giá là phân khúc đầu tư hấp dẫn tại khu vực châu A, khi chứng kiến sự ra đời của hàng loạt công viên chủ đề, như Disneyland ở Hồng Kông, Universal Studios ở Singapore, Disney Park ở Thượng Hải (Trung Quốc)…

Theo dự báo, BĐS công nghiệp giải trí sẽ trở thành lĩnh vực thu hút nguồn vốn đầu tư khổng lồ, khi xu hướng đi du lịch cùng gia đình đến các công viên chủ đề ngày càng trở thành thói quen của du khách.

Ở Việt Nam, thời gian qua, cũng đã hình thành một số mô hình BĐS công nghiệp giải trí, như Công viên Đầm Sen, Khu du lịch Suối Tiên (TP.HCM), Thủy Cung ở Nha Trang, Khu du lịch Đại Nam ở Bình Dương, Thiên Đường Bảo Sơn ở Hà Nội… Bước đầu, những khu vui chơi giải trí này đã thành công trong việc kết hợp những giá trị dân gian, cảnh quan và một số công nghệ giải trí hiện đại để phục vụ nhu cầu của du khách.

Tuy nhiên, trên thực tế, các mô hình công viên này còn bộc lộ không ít hạn chế. Đó là phần lớn các khu vui chơi giải trí phát triển theo mô hình “bách hóa”, nên làm giảm tính hấp dẫn. “Phần lớn các khu vui chơi giải trí ở Việt Nam vẫn chưa thể hiện được cái riêng độc đáo của mình, hay nói cách khác vẫn chưa có những sản phẩm đặc trưng và còn thể hiện sự sao chép về ý tưởng”, ông Phạm Trung Lương, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch Việt Nam) nhận định và cho rằng, đó là một trong những nguyên nhân đang làm giảm tính hấp dẫn của các khu vui chơi giải trí.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn 1998 – 2008, lĩnh vực du lịch Việt Nam đã thu hút được 431 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn đăng ký 18,6 tỷ USD. Tuy nhiên, các dự án đầu tư vào du lịch chủ yếu tập trung vào khách sạn, còn lĩnh vực vui chơi giải trí chưa được sự quan tâm đúng mức. Trong khi đây là lĩnh vực đầu tư khá hấp dẫn, có thể thu hút được nguồn vốn đầu tư lớn và thúc đẩy ngành du lịch phát triển mạnh.

Nguyên nhân khiến lĩnh vực đầu tư BĐS vui chơi giải trí chưa thu hút được các nhà đầu tư tham gia, trước hết là do hệ thống chính sách thu hút đầu tư chưa đồng bộ, thiếu những chính sách cụ thể đối với đầu tư phát triển BĐS vui chơi giải trí, đặc biệt với những hình thức được xem là nhạy cảm như casino, cá cược... gắn với các cuộc thi thể thao, như đua ngựa, đua ô tô...

Theo ông Phạm Trung Lương, với số dân gần 90 triệu người cùng với nhiều lợi thế về thắng cảnh, bờ biển dài và đa dạng về văn hóa, lịch sử, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nói chung và BĐS du lịch, xây dựng công viên giải trí chủ đề nói riêng.

“Để phát huy lợi thế này, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã xác định quy hoạch hệ thống hơn 40 khu du lịch tiềm năng trên cả nước để tập trung thu hút đầu tư, có những chính sách ưu đãi ổn định, nhất là trong công tác đầu tư hạ tầng”, ông Lương nói và cho biết, hiện một số mô hình BĐS vui chơi giải trí được phát triển rải rác ở hai đầu Nam – Bắc, trong khi đó, miền Trung mới thực sự là khu vực có nhiều lợi thế tiềm năng để phát triển mô hình này.

Ông Gary Goddard, Chủ tịch Tập đoàn Goddard nhận xét, Việt Nam có thể phát triển những trung tâm giải trí theo chủ đề gắn với lịch sử, khoa học, sinh thái… được kết hợp với giáo dục, giải trí và khám phá sẽ tạo ra loại hình giải trí mới, đầy hứa hẹn phát triển mạnh ở Việt Nam trong thời gian tới.

(Theo Đầu tư)

  • 0
  • By Admin
  • 16/06/2012
  • 17