BĐS bị "thất sủng" sau cơn lốc đô thị hóa?
Không như kỳ vọng
Với tốc độ đô thị hóa nhanh, TP Hà Nội mọc lên nhiều đô thị mới. Không chỉ sôi sục xây dựng nhà ở khu vực phía Tây, các công ty BĐS cũng nhanh chóng bê tông hóa các hướng còn lại, bằng nhiều dự án nhà ở từ lớn đến nhỏ, từ cao cấp đến trung bình.Thế nhưng, không như kỳ vọng của TP, việc mọc lên ồ ạt các khu đô thị mới không giải tỏa được bức xúc về nhu cầu nhà ở do tình trạng đầu cơ, các đô thị này lại đang tạo ra một gánh nặng vô hình đè nén sức phát triển của TP.
Tại Hà Nội, chỉ có duy nhất 1 khu đô thị mới được công nhận khu đô thị kiểu mẫu, trong khi đó có không ít khu đô thị mới nham nhở với nhiều nhà hoang, đất hoang, không kết nối hạ tầng.
Báo cáo mới nhất về tình hình thực hiện dự án và sử dụng nhà ở tại một số khu đô thị mới trên địa bàn TP Hà Nội khiến nhiều người không khỏi giật mình vì số lượng nhà chưa hoàn thiện quá lớn. Thậm chí có những khu đô thị biến thành khu đô thị ma vì đã bỏ hoang nhiều năm.
Khu nhà ở Quang Minh 1 chưa có căn biệt thự nào được sử dụng. Khu nhà ở Quang Minh 2 còn 106/208 căn biệt thự và 67/106 căn nhà phố chưa hoàn thiện. Khu đô thị mới Dịch Vọng có 67/82 căn biệt thự và 26/72 căn nhà phố chưa sử dụng. Khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp còn 100/213 căn biệt thự chưa sử dụng.
Khu đô thị mới Mỗ Lao - Làng Việt kiều châu Âu còn 186/257 căn biệt thự và 191/262 căn nhà phố chưa sử dụng. Kể cả những dự án cơ bản đáp ứng đầy đủ hạ tầng kỹ thuật và xã hội như khu đô thị Mỹ Đình II vẫn còn 19/206 căn biệt thự chưa sử dụng, khu đô thị mới Trung Yên còn 5/61căn biệt thự và 26/646 căn nhà phố chưa sử dụng…
Có những khu đô thị mới đã có người ở nhưng nhanh chóng nhếch nhác, xuống cấp. Không chỉ các khu tái định cư Nam Trung Yên, Định Công mới bị xuống cấp trầm trọng, những khu đô thị mới như Mỗ Lao hay Bắc Linh Đàm mở rộng cũng đẩy người dân vào tình trạng khóc dở mếu dở.
Người dân vào ở tại khu đô thị Mỗ Lao gần 2 năm mới có điện, nước. Người dân Bắc Linh Đàm dù sống trong những biệt thự tiền tỷ nhưng lại phải… lội ruộng, trèo rào để vào nhà.
Không đủ tiềm lực
Nhà mới xây bị bỏ hoang trong khi nguồn cung nhà ở vẫn thiếu hụt trầm trọng đã khiến bài toán đô thị, tại Hà Nội trở nên khó giải hơn bao giờ hết. Theo Chiến lược phát triển đô thị Việt Nam, diện tích đất đô thị sẽ tăng từ 105.000ha hiện nay lên đến 460.000ha vào năm 2020, tỷ lệ đô thị hóa dự kiến tăng từ 26% hiện nay lên đến 46% vào năm 2025.Như vậy, theo đà phát triển, diện tích đất dành cho đô thị sẽ còn tăng nhanh và nếu như bài toán nhà hoang, hạ tầng thiếu đồng bộ không được giải quyết triệt để, sẽ tiếp tục ra đời những khu nhà hoang mới.
Theo GS.TS Đặng Hùng Võ, quy hoạch là vấn đề đã nói đến… phát chán. Trong khi tài chính dành cho việc thực hiện quy hoạch có hạn, chính quyền đô thị còn thiếu các chiến lược và chính sách kiểm soát, quản lý đô thị, gây lãng phí tài nguyên đất đai và nguồn lực đầu tư. Ngoài vấn đề quy hoạch, việc doanh nghiệp không đủ tiềm lực xây đô thị nhưng vẫn được cấp đất trở thành một trong những nguyên nhân khiến cho đô thị trở nên “xôi đỗ” như hiện tại.
TS. Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nhận định: Thị trường BĐS đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện quy hoạch đô thị, thế nhưng hiện nay tại Hà Nội, các dự án khu đô thị mới phân tán khắp nơi tùy theo đề xuất của nhà kinh doanh BĐS và đều được chính quyền đô thị chấp nhận. Tình trạng đó khiến cho việc kết nối các khu đô thị mới với hệ thống hạ tầng cấp 1 của đô thị khó khăn và tốn kém.
Nhiều chuyên gia BĐS cho rằng, để giải quyết triệt để vấn đề này, TP Hà Nội cần nhìn lại sự phát triển lệch của các khu đô thị, giải quyết triệt để vấn đề nhà hoang, hạ tầng yếu kém, đồng thời sàng lọc chọn các chủ đầu tư thực sự có tiềm lực tài chính để triển khai các khu đô thị mới.
(Theo Cafef)
- 0
- By Admin
- 14/06/2011
- 17