• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

BĐS Hải Phòng: Còn nhiều trở ngại

Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam kiêm Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Hải Phòng nhận định: "Mặc dù thị trường bất động sản Hải Phòng có tính ổn định cao, nhưng lại chưa phát triển mạnh do cơ cấu hàng hóa chưa hợp lý. Đồng thời, quan hệ cung - cầu còn thiếu tính cân đối, hệ thống tài chính bất động sản chưa được hoàn thiện". Trên thực tế, nguồn tín dụng trung và dài hạn dành cho lĩnh vực bất động sản tại Hải Phòng hiện rất hạn chế. Nhiều dự án đã phải tạm dừng triển khai hoặc giãn tiến độ. Một số dự án triển khai bằng nguồn vốn của chủ đầu tư như Pacific, Tinh thành Quốc tế… đang nằm trong hoàn cảnh này. Bên cạnh đó, vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng, chính sách nộp tiền sử dụng đất còn nhiều vướng mắc, ảnh hưởng lớn tới tiến độ các dự án đầu tư bất động sản.

Với vị trí một nhà môi giới, ông Đỗ Huy Sơn, Giám đốc CTCP Bất động sản Đại Cát cho rằng: "Bản thân các sàn giao dịch bất động sản tại Hải Phòng phải tự khẳng định mình bằng tính chuyên nghiệp, có như vậy thì mới xóa đi được những định kiến xấu về hoạt động môi giới chụp giật trong tâm lý khách hàng". Trong hoạt động môi giới giao dịch bất động sản hiện nay có tình trạng các công ty, sàn giao dịch có đủ điều kiện hành nghề theo quy định của luật pháp vẫn phải hoạt động song hành với các đơn vị, cá nhân hoạt động môi giới không đủ điều kiện, không giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Điều này tác động lớn tới các nhà đầu tư bất động sản cũng như đến niềm tin của người tiêu dùng.

Cũng như cả nước, hiện nay thị trường bất động sản Hải Phòng rơi vào tình trạng trầm lắng, lượng giao dịch giảm nhiều do hệ lụy từ việc thắt chặt tiền tệ, lạm phát, lãi suất ngân hàng tăng cao, lượng cung về căn hộ, đất nền dự án cao hơn cầu… Tuy nhiên, theo đại diện CTCP Đầu tư và thương mại Gia Minh, giao dịch trầm lắng cũng có một phần nguyên nhân từ tâm lý đám đông và sự hiểu biết chưa toàn diện của các nhà đầu tư cũng như người tiêu dùng, lao vào mua bán khi giá tăng cao và chần chừ khi giá cả đã xuống đến mức hấp dẫn. Tình trạng này cũng có một phần nguyên nhân từ việc tư vấn, phân tích thông tin, đánh giá thị trường của các chuyên viên tư vấn của các sàn giao dịch bất động sản. Việc hợp tác giữa các nhà đầu tư và môi giới tại Hải Phòng hiện vẫn còn có khoảng cách. Các nhà đầu tư nhiều khi muốn tự mình làm hết các công đoạn triển khai, quảng bá, giới thiệu khách hàng về sản phẩm…, nên không cung cấp và hợp tác với một sàn giao dịch mang tính chuyên nghiệp cao. Ngược lại, nhà môi giới nhiều khi phải tự đi tìm nhà đầu tư và tính chuyên nghiệp trong hoạt động môi giới cũng chưa cao. Do đó, người tiêu dùng luôn phải "bơi" trong mớ thông tin và nhiều khi không đánh giá chính xác tình hình, điều đó cũng ảnh hưởng tới hoạt động giao dịch bất động sản tại Hải Phòng.

Theo khảo sát của CTCP bất động sản Hải Phòng, mấy năm qua, giá nhà đất tại Hải Phòng tăng rất nhanh. Ví dụ, khu Ngã 5 - sân bay Cát Bi, tuyến 2, đầu năm 2010 có giá khoảng 26 - 28 triệu đồng/m2 thì đến đầu năm nay đã lên đến 65 triệu đồng/m2. Tương tự, khu Hồ Sen - Cầu Rào 2, tại vị trí mặt đường 51m, thời điểm đầu năm trước có giá khoảng 12 - 14 triệu đồng/m2 thì hiện đã ở mức 40 triệu đồng/m2. Mặc dù hàng năm, Hải Phòng đều ban hành giá đất có điều chỉnh theo nguyên tắc sát với giá thị trường, nhưng thực tế bất động sản tại Thành phố ngày càng bỏ xa giá công bố, nhiều khu vực có giá thực tế so với giá quy định chênh lệch đến 4 - 5 lần. Sự tăng giá bất hợp lý này cũng là nguyên nhân khiến thanh khoản trở nên nguội lạnh.

Theo ông Nguyễn Trung Ngọc, CTCP Bất động sản Hải Phòng, thị trường bất động sản Hải Phòng trầm lắng còn do thiếu sự hỗ trợ của cơ quan tín dụng. Giới ngân hàng chưa đánh giá cao việc kiếm lợi nhuận từ hoạt động bất động sản. Người dân coi việc mua bất động sản bằng nguồn tiền tự có như hình thức tiết kiệm chứ không phải là kinh doanh. Hơn nữa, việc cấp quyền sử dụng đất tại Hải Phòng làm chậm khiến nhiều chủ đầu tư khó khăn trong công tác bán hàng. Hải Phòng còn chậm công bố nhiều quy hoạch, nên các nhà đầu tư, môi giới khó tiếp cận thông tin. Nhiều nhà môi giới nhỏ lẻ phát triển mạnh tại các khu vực có giao dịch sôi động mà bản thân không có đào tạo chuyên nghiệp, nên không có tư vấn, thông tin chính xác cho nhà đầu tư. Thêm nữa, các nhà đầu tư khi tung ra sản phẩm thì các sàn giao dịch vẫn ít được tiếp cận. Do đó, tính quảng bá sản phẩm của dự án bị hạn chế, kéo theo tính thanh khoản không cao và đương nhiên thị trường kém hấp dẫn.

Từ những những thực tế trên, ông Trần Văn Thắng, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Bất động sản Hải Phòng kiến nghị, các cơ quan quản lý nhà nước cần hiểu đúng Nghị quyết 11 của Chính phủ là hạn chế và đẩy lùi tình trạng đầu cơ bất động sản, chứ không phải "ngăn chặn" luồng vốn đầu tư vào các hoạt động đầu tư và sản xuất để kiến tạo nên sản phẩm bất động sản. Bên cạnh đó, Hải Phòng cần công bố sớm điều chỉnh quy hoạch các quận, huyện phù hợp với quy hoạch chung Thành phố đến năm 2025 và tầm nhìn 2050 đã được phê duyệt.

Rõ ràng, trong hoàn cảnh hiện nay, để thị trường bất động sản Hải Phòng dần trở nên sôi động hơn thì không thể thiếu sự gắn kết giữa các nhà đầu tư, nhà quản lý, nhà môi giới. Bởi có như vậy thì tính thanh khoản của thị trường mới được nâng lên qua việc kết nối thông suốt giữa nguồn cung và sức cầu trên thị trường.

(Theo ĐTCK)

  • 0
  • By Admin
  • 24/08/2011
  • 17