BĐS Hà Nội và xu hướng "tản nhiệt" địa ốc
“Giọt nước tràn ly”
Chẳng phải đến lúc này, người ta mới thấy sự chia lửa nhằm giảm tỷ lệ đầu cơ tập trung vào địa ốc Hà Nội là cần thiết. Ngay từ sau năm 2008, đã từng có làn sóng đầu tư chuyển dịch đón đầu của không ít DN BĐS nhắm tới các vùng địa phương lân cận Thủ đô như Hòa Bình, Mê Linh, Vĩnh Yên, Thái Nguyên, Hải Dương, Hưng Yên thậm chí Hải Phòng. Khi ấy, bối cảnh thị trường hầu như trái ngược với hiện nay: BĐS phát triển mạnh với sức cầu luôn vượt cung, và tình trạng đầu cơ tỷ lệ thuận cùng sức phát triển của thị trường. Nay thì tất cả đã khác. Thị trường èo uột, giao dịch thưa thớt bất chấp giá giảm sâu, khuyến mại nhiều, tình trạng phá sản vỡ nợ diễn ra như cơm bữa… Vậy nên nhà đầu tư, DN buộc phải lên kế hoạch cụ thể và chắc chắn để chuyển đích nhắm sang các địa phương khác với tư duy khác và chiến lược mới.Nội đô chật chội không còn là lựa chọn tối ưu của nhà đầu tư địa ốc. Ảnh: Gia Lộc |
Xét tới nhu cầu ở hiện nay tại các đô thị đều đang chưa được đáp ứng đủ. Số lượng các cặp vợ chồng trẻ lập gia đình, làm việc và có ý định ở lâu dài tại Hà Nội ngày một gia tăng. Kèm theo đó là mức thu nhập bình quân vẫn ở mức thấp so với giá các sản phẩm BĐS nên việc tập trung mua sản phẩm BĐS để ở tại khu vực nội đô gần như là khó đối với họ. Chiếm một phần không nhỏ trong nguồn cầu về nhu cầu ở là lứa tuổi về hưu, cao niên. Theo thống kê ngẫu nhiên tại một quận mới đây, thì đa số người cao tuổi đều mong muốn ở tại vùng xa thành thị, rộng rãi với tỷ lệ cây xanh cao với hệ thống giao thông cộng tốt. Điều đó cho thấy nhu cầu về nơi ở tại các đô thị đang trở nên quá tải. Nhất là tại đô thị lớn như Hà Nội với mật độ giao thông cực lớn, kèm theo đó là hạ tầng giao thông vẫn chưa hoàn thiện đồng bộ. Do đó, giống như quy luật về cốc nước, khi rót đầy sẽ tràn ra xung quanh. Thị trường BĐS Hà Nội cũng như vậy.
Tìm kiếm thiên nhiên gần
Theo ông D.M.T - Giám đốc một Cty địa ốc có bề dày nhiều năm làm về mảng đầu tư, những vùng ven Hà Nội không lâu nữa chắc chắn sẽ được hưởng gió lành từ sự phình ra về sức cầu của người dân. Tuy nhiên, có một nghịch lý là các đô thị vệ tinh đến nay hầu như không được các nhà đầu tư ngó ngàng tới. Trong khi các vùng ven xa hơn như Mê Linh, Vĩnh Yên, Hòa Bình lại rất hút nguồn vốn đầu tư (đặc biệt cho việc xây các khu nghỉ dưỡng sinh thái). Điều này lý giải bởi yếu tố giao thông chưa được thực hiện trọn vẹn (!). Giá đất hiện nay tại khu vực Mê Linh ở vị trí ôtô vào tận nhà chỉ tối đa 40 triệu đ/m2. Tuy nhiên, mức đầu tư đến nay vẫn hạn chế và cầm chừng do nạn tắc đường vẫn chưa được giải quyết. Năm 2008 tưởng như giá đất tại khu vực này sẽ lên cao cùng với sức hút các nhà đầu tư tăng nhanh sau thông tin cầu Nhật Tân hình như sắp được gấp rút thi công. Tuy nhiên, từ đó đến nay, mọi chuyện vẫn không có gì thay đổi. Cây cầu vẫn nằm trên giấy (cách đây 10 năm) dù vườn đào Nhật Tân đã được giải tỏa (?!).Theo chia sẻ của một chủ DN BĐS tại khu vực Từ Liêm, đa số những người trẻ và trung niên đều sẵn sàng đi xe lên các vùng xa Hà Nội như Sơn Tây, Ba Vì, thậm chí Vĩnh Yên, Tam Đảo để tụ họp liên hoan thay vì đi vào khu vực Bờ Hồ. Lý do vẫn là mục đích kiếm tìm không gian thoáng đãng, giao thông thuận tiện và khoảng cách… không thành vấn đề. Đa số ý kiến của các đại diện Cty địa ốc, nhà đầu tư tập trung tại một điểm: Xử lý vấn đề giao thông từ khu vực nội đô ra các vùng ven thật tốt sẽ kéo theo việc chuyển dịch đầu tư BĐS. Được như vậy, BĐS Hà Nội sẽ được “chia lửa” cùng các vùng đô thị ven đô, xa hơn nữa là các địa phương lân cận đã nêu. Nếu được như vậy, chắc chắn ít đi các vụ vỡ nợ, phá sản vì đầu tư theo tâm lý số đông và không thể không kể đến là yếu tố “đất chật, người đông” đầu tư khó hiệu quả.
Chuyển dịch đầu tư thành công, thay đổi, mở rộng môi trường đầu tư để kiếm tìm cơ hội mới khi Hà Nội đã trở nên quá chật chội và người khôn của khó. Điều đó ai cũng mong, nhất là các DN BĐS đang trong cơn điêu đứng vì tín dụng và suy giảm lòng tin khách hàng.
(Theo BXD)
- 0
- By Admin
- 11/11/2011
- 17