BĐS Hà Nội: Phía Tây quá "đắt", tiềm năng phía Đông
Gần đây, hệ thống giao thông nối phía Đông với trung tâm Thủ đô đã được cải thiện đáng kể - Ảnh: Hoài Nam |
Điểm nóng phía Tây
Sự phát triển mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng trong những năm gần đây đã đưa khu vực phía Tây Hà Nội thành tâm điểm của giới đầu tư bất động sản. Ông Phạm Thanh Hưng, Phó tổng giám đốc Công ty Tư vấn bất động sản Cen Group cho rằng, thị trường bất động sản khu vực Mỹ Đình và phía Tây Hà Nội sẽ vẫn thu hút giới đầu tư, vì đây là khu vực trung tâm mới, cũng như là định hướng phát triển của Thủ đô.
Diễn biến trên thực tế cho thấy, khu vực này đang nhanh chóng trở thành một trung tâm mới, do trụ sở của một số bộ lớn đang xây dựng hoặc chuẩn bị đi vào hoạt động như Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học và Công nghệ. Các tổ hợp khách sạn, nhà ở, căn hộ, văn phòng cao cấp cũng đua nhau mọc lên ở đây như Keangnam, Grand Plaza, Madarin Garden, Tây Hồ Tây, Ciputra.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Đạo, Giám đốc Công ty Tư vấn bất động sản Vietnam Property cho biết, giá nhà đất ở khu vực Mỹ Đình và Tây Hồ Tây đang đứng ở mức cao, bình quân 150 - 200 triệu đồng/m2 đất và 40 - 60 triệu đồng/m2 căn hộ. Do đó, nhà đất khu vực này chỉ phù hợp với đầu tư dài hạn hơn là lướt sóng.
Mặc dù vậy, theo ông Hưng, do Mỹ Đình trở thành trung tâm mới và định hướng phát triển Thủ đô về hướng Tây, nên dải đất phía Tây vẫn là “điểm nóng” cho giới đầu tư bất động sản trong nhiều năm tới. Đặc biệt, hệ thống giao thông đang được cải thiện nhanh chóng, với việc đưa vào sử dụng Đại lộ Thăng Long, đường Lê Văn Lương kéo dài và sắp tới là Quốc lộ 32 mở rộng, đã đẩy giá bất động sản dọc theo các tuyến đường này tăng nhanh.
Những năm qua, giá nhà đất khu vực phía Tây đã tăng bình quân 30 - 40%/năm. Đơn cử, đất biệt thự Tây Đô Villas tại Khu đô thị Dương Nội một vài năm trước chỉ có 23 - 30 triệu đồng/m2, thì hiện nay đã lên đến 40 - 50 triệu đồng/m2. Biệt thự và nhà liền kề Khu đô thị Văn Khê đang được chào bán với giá 60 - 70 triệu đồng/m2. Với mức giá cao như vậy, nhiều khu vực ở phía Tây chỉ dành cho NĐT lớn.
Tiềm năng phía Đông
So với phía Tây thì sự phát triển đô thị ở phía Đông Hà Nội vẫn còn lép vế. Tuy nhiên, cơ hội đầu tư ở khu vực phía Đông được nhận định là không hề nhỏ. Thực tế cho thấy, những NĐT biết rũ bỏ thành kiến, đón đầu thị trường đã sớm gặt hái thành quả ở phía Đông. Chẳng hạn, chung cư tại Khu đô thị mới Việt Hưng (quận Long Biên) cách đây vài năm chỉ có giá 8 - 9 triệu đồng/m2, thì nay đã dao động trên dưới 20 triệu đồng/m2; biệt thự cũng tăng từ 3 - 4 tỷ đồng/căn lên 9 - 10 tỷ đồng/căn.
Theo ông Đạo, giá đất ở phía Đông đã âm thầm tăng mạnh trong mấy năm gần đây và mang lại lợi nhuận cho NĐT không thua kém gì khu vực phía Tây. Khu vực phía Đông, nhất là quận Long Biên, chỉ cách trung tâm Hà Nội 2 - 5 km, nên tiềm năng đầu tư bất động sản rất lớn. Thực tế, một số NĐT nước ngoài có tên tuổi đã và đang khảo sát cơ hội đầu tư những dự án bất động sản lớn ở đây. Phía Đông cũng đang hình thành chuỗi khu đô thị lớn, hiện đại như Hanoi Garden City (31 héc-ta), Khu đô thị Khoa học Gia Lâm (400 héc-ta), Khu đô thị Ecopark (500 héc-ta).
Nhiều NĐT có “thành kiến” với nhà đất phía Đông, vì hệ thống hạ tầng giao thông khu vực này trước đây chưa phát triển. Việc đi lại từ phía Đông vào trung tâm Hà Nội gặp khó khăn, do chỉ có “đường dẫn” chính là cầu Chương Dương và thường xuyên chịu cảnh tắc đường. Nhưng gần đây, hệ thống giao thông nối phía Đông với trung tâm Thủ đô đã được cải thiện đáng kể, nhất là từ khi cầu Thanh Trì và cầu Vĩnh Tuy được đưa vào sử dụng. Nhờ đó, đi lại giữa những khu vực phát triển đô thị tiềm năng như quận Long Biên, huyện Gia Lâm và xa hơn nữa là huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên), với khu vực quận Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm và Hoàng Mai đã dễ dàng hơn rất nhiều.
Trên thực tế, hệ thống giao thông ở phía Đông đang tiếp tục được cải thiện. Đường đê Hữu Hồng nối Văn Giang với Long Biên đã được nâng cấp, mở rộng lên gấp đôi.
Tuyến đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên dài hơn 21 km đang được triển khai gấp rút và dự kiến đưa vào sử dụng cuối năm tới. Trên tuyến này, Công ty Vihajico và Công ty Utracon vừa ký kết hợp đồng thiết kế và xây dựng cầu vượt sông Bắc Hưng Hải, nhằm đưa cầu này vào sử dụng trong vòng 2 năm tới, kết nối giai đoạn 1 (50 ha) và giai đoạn 2 (450 ha) của Khu đô thị Ecopark.
Đường Quốc lộ 5B từ Hà Nội đi Hải Phòng cũng đang được triển khai. Tuyến đường đô thị trên cao nối cầu Thanh Trì với Mỹ Đình đã hoàn thiện một phần và đang được xây dựng tiếp. Do đó, kết nối giữa phía Đông và trung tâm mới Mỹ Đình cũng rất thuận tiện, ít phải chịu cảnh tắc đường. Đây sẽ là những “đường dẫn” quan trọng cho chuỗi đô thị phía Đông. Theo quy luật thông thường, khi giao thông được cải thiện thì giá trị bất động sản sẽ tăng.
(Theo ĐTCK)
- 0
- By Admin
- 14/12/2010
- 17