• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

BĐS Hà Nội: "Chết” vì tin đồn

BĐS Hà Nội: "Chết” vì tin đồn | ảnh 1
Ngổn ngang công trường đường dẫn cầu Nhật Tân (đầu phía Đông Anh) - Ảnh: Đức Minh

Thế nhưng, giống như cơn sốt đất Ba Vì hồi tháng 5/2010, đất Sóc Sơn, Đông Anh sau một thời gian bị đẩy giá lên hiện đã có dấu hiệu chững lại, giá giảm và giao dịch chậm.

Bán tháo

Sau khi có tin đồn một số trường đại học, cao đẳng trong nội thành Hà Nội đã được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội dự kiến đưa lên Sóc Sơn, theo tìm hiểu của ĐTCK, giá đất ở hầu hết các xã thuộc huyện Sóc Sơn như Tân Minh, Minh Trí, Minh Phú, Hiền Minh, Đức Hòa... đều tăng mạnh so với cuối năm 2010. Một mảnh đất đẹp, gần quốc lộ giá từ 15 - 18 triệu đồng/m2, trong làng giá cũng khoảng chục triệu/m2.

Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, giá đất tại các khu vực này đã chững lại. Cụ thể, đất khu vực xã Minh Trí giá chỉ xấp xỉ 4,5 triệu đồng/m2. Còn tại xã Minh Phú, giá đất dao động trong khoảng 2,5 - 4 triệu đồng/m2. Theo phản ánh của người dân, hiện tại nhiều nhà muốn bán nhưng cũng không bán được. Đại diện một văn phòng nhà đất trên Quốc lộ 2 cho biết, thời gian gần đây, lượng nhà đầu tư về đây tìm mua đất không nhiều, giao dịch trầm lắng.

Còn tại huyện Đông Anh, lý do đất tại đây tăng giá là do dự án cầu Nhật Tân vượt sông Hồng, điểm đầu đặt tại khu vực Phú Thượng, quận Tây Hồ, dự án cắt Quốc lộ 5 kéo dài tại nút giao Vĩnh Ngọc rồi đi thẳng theo hướng Bắc, vượt qua sông Thiếp và kết thúc ở điểm giao với đường Nam Hồng, huyện Đông Anh, đang được triển khai. Giá đất nhiều khu vực ở huyện Đông Anh từ cuối năm 2010 cho tới tháng 3/2011 đã tăng vọt.

Xã Vĩnh Ngọc, nơi có con đường dẫn tới cầu Nhật Tân trước đây được rao bán mức giá đất cao nhất của huyện Đông Anh. Khảo sát tại các văn phòng nhà đất quanh khu vực này, đất mặt đường 23 m sát đường dẫn lên cầu Nhật Tân có giá 80 triệu đồng/m2, đất trong làng mặt ngõ rộng 8 m có giá 60 triệu đồng/m2, đất mặt ngõ rộng 3 - 4 m cạnh chân cầu có giá 50 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, khi có thông tin hướng đường dẫn cầu Nhật Tân thay đổi, hàng chục người trót ôm đất quanh khu vực này đang tìm cách "đẩy" đi với giá rẻ, nhưng cũng không thành công.

Khi được hỏi về quy hoạch cầu Nhật Tân, ông Lê Xuân Bình, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Đông Anh cho biết, đúng là đang có làn sóng bán tháo đất tại khu vực đường dẫn cầu Nhật Tân. Bởi theo quy hoạch cũ, hướng cầu Nhật Tân rẽ theo bên phải, thì quy hoạch mới, hướng đó lại chuyển sang bên trái. Nhiều người "đi tắt đón đầu" giờ đang phải bán tháo khi trót ôm hàng chục lô đất ven đường.

Thủ thuật của "cò"

Lý giải về cơn sốt đất trong thời gian gần đây, các chuyên gia bất động sản cho rằng, Đông Anh là một trong những huyện có vị trí đắc địa, bởi nằm giữa nội thành Hà Nội và sân bay Nội Bài, thuận tiện cho giao thông và phát triển cơ sở hạ tầng. Theo quy hoạch, từ trung tâm TP Hà Nội sang Đông Anh sẽ hình thành 3 cây cầu mới là Nhật Tân, Đông Trù và Tứ Liên. Khi ba cây cầu được hoàn thành, từ Đông Anh vào trung tâm thành phố chỉ mất khoảng 20 phút đi xe máy. Vì vậy, việc đất ở khu vực này lên giá cũng là chuyện bình thường

Tuy nhiên, một cán bộ Phòng Quản lý đô thị huyện Đông Anh cho rằng, giá đất tại đây đang tăng một cách bất thường, thậm chí là quá nóng, trong khi hạ tầng giao thông vẫn còn rất ngổn ngang. Cụ thể, cầu Nhật Tân ít nhất ba năm nữa mới có thể hợp long, trong khi hạ tầng xã hội tại các làng xã xung quanh vẫn chưa phát triển.

Theo vị cán bộ này, đây vẫn là thủ thuật "kích" giá của những người môi giới, "cò đất" mà thôi. Và người chịu thiệt thòi vẫn chính là người mua đất sau cùng, nếu người mua không tỉnh táo sẽ mắc bẫy của cò đất.

Đối với cơn sốt đất tại Sóc Sơn, ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội nhận định, giá đất ở Sóc Sơn đột ngột tăng cao phần lớn do những nhà đầu tư dùng chiêu giả vờ mua - bán làm nhiễu thị trường. Thực chất, dân cư trong xã bán đất rất ít. Còn thông tin quy hoạch chỉ là cái cớ để dân đầu cơ bất động sản "thổi" giá kiếm lời.

Các chuyên gia bất động sản cảnh báo, nếu chạy theo tin đồn "sốt đất" ở Sóc Sơn, Đông Anh vừa qua, người mua rất dễ bị mắc kẹt do tính thanh khoản thấp. Thực tế, nhiều người đã không quên được cơn sốt đất tại Ba Vì do giá đất đã bị các "cò" thổi lên nhờ thông tin quy hoạch thủ đô hồi năm ngoái. Hậu quả là cho đến bây giờ, nhiều nhà đầu tư vẫn đang "dở khóc, dở cười" vì không bán được.

(Theo ĐTCK)


  • 0
  • By Admin
  • 19/04/2011
  • 17