• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

BĐS Đức: Nhanh "phồng" thì sẽ nhanh "xẹp"?

Tạp chí Capital đã phỏng vấn những người buôn bán bất động sản ở 120 điểm dân cư chính ở Đức và đã rút ra kết luận “giá nhà tại các khu vực sang trọng của những thành phố lớn không có mức trần”. Tại Hamburg trong 3 năm qua các căn hộ loại “siêu” tăng giá 20%, tại Muynich – 15%. Giá tại một số khu phố của Muynich cao đến mức các nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng không dám mua. Ernest Holland, Giám đốc hãng GBW, cho biết: “Đối với chúng tôi việc này (mua nhà) không có lợi”.

Theo các nhà phân tích của Capital, các nhà đầu tư bỏ tiền vào các ngôi nhà có nhu cầu cao và ổn định là nhằm giảm tối đa các nguy cơ. Chẳng hạn, ở Tây Ban Nha trong xu thế ảm đạm chung thì nhu cầu đối với bất động sản hạng VIP vẫn khá nóng. Nhà đẹp thì vẫn bán được theo “giá đẹp”. Thị trường Tây Ban Nha quá thừa nhà nghỉ nhưng lại thiếu nhà hạng “siêu sang”.

Giá bất động sản biến động mạnh tại Berlin, nơi vốn có tiếng là nhà cửa rẻ nhất trong số các thủ đô ở châu Âu. Theo tính toán của các chuyên gia thị trường tại Viện Bulwien Gesa, trong 10 năm qua, giá nhà tại khu phố trung tâm Berlin-Mitte tăng 22%. Các căn hộ ở địa điểm đẹp nhất đắt gấp đôi so với 3 năm trước (10.000 euro/m2).

Tại Hamburg tới năm 2015 các căn hộ có thể sẽ tăng giá thêm 7%. Xu thế này cũng sẽ diễn ra tại thành phố Freiburg bé nhỏ và giàu có, tại Berlin khổ hạnh và tại Potsdam buồn tẻ. Tờ Handelsblatt giải thích: “Mọi người đổ xô đến những nơi có việc làm, do đó số nhà trống tại các thành phố lớn và khu vực xung quanh ngày càng ít đi, giá bị đẩy lên. Trong khi nhà ở nông thôn thì để không”.

Michael Shlatterer, chuyên gia phân tích ở tập đoàn xuyên quốc gia CB Richard Ellis (có trụ sở chính ở Mỹ), cho rằng chưa có dấu hiệu hình thành “bong bóng” tại thị trường bất động sản Đức. Theo ông, ở nước này giá mới tăng quá nhanh tại các khu phố sang trọng, trong khi đó để tạo ra “bong bóng” thì cần có độ vênh bất hợp lý giữa giá cả với chất lượng nhà ở những khu vực tồi tàn.

Phát biểu trên tờ Süddeutsche Zeitung, chuyên gia bất động sản Bjorn Holzwarth của ngân hàng Ellwanger & Geiger, nhấn mạnh: “Trò chơi ma lanh cung và cầu tạo nên giá cả, song tôi không thể nói là điều này có thể thổi nên “bong bóng” mới”. Ông cũng chỉ ra làn sóng các nhà đầu tư nước ngoài tràn vào Đức thông qua London. Theo ông, đồng vốn bỏ ra từ sàn chứng khoán Anh nhưng có thể nó được rót từ châu Á, Đông Âu và Trung Đông. Lý do, Đức được coi là quốc gia nghiêm túc trong vấn đề chứng khoán, ngân hàng và bất động sản.

Theo đánh giá của Christian Vittke ở ngân hàng Berenberg, luật pháp hà khắc ở Đức ngăn cản cơn khủng hoảng tiềm năng trên thị trường bất động sản của nước này: khác với công dân Mỹ, chủ sở hữu nhà bằng tiền vay ở Đức không được hưởng các ưu đãi về thuế, còn việc mua đi bán lại mà không bị đánh thuế thì chỉ có thể diễn ra sau 10 năm tậu nhà.

Tuy nhiên, không thể coi mối lo “bong bóng nổ” là vô căn cứ. Capital viết: “Một số ngân hàng ngày càng nới lỏng quy định cho vay tín dụng thế chấp. Một số thể chế tài chính cho vay toàn bộ số tiền mua hay xây nhà mà không nghiên cứu chi tiết. Thực tiễn này không phải là vô hại, như việc xây nhà ở Mỹ và các nước khác đã cho thấy. Các nhà kinh tế nêu rõ rằng nếu “bong bóng” đã được thổi thì quá muộn để có thể dẹp nó đi. Chuyên gia Christian Vittke ở ngân hàng Berenberg nói thêm: “Thị trường bất động sản cũng như xe tăng, không thể đổi hướng nhanh được”.

(Theo Tamnhin.net)

  • 143
  • By Admin
  • 12/07/2011
  • 17