Australia: Bán đất nông nghiệp cho nước ngoài - Lợi bất cập hại
Họ bày tỏ lo ngại về vấn đề an ninh lương thực, chủ quyền và muốn cơ quan này giữ vai trò lớn hơn trong việc bảo vệ các tài sản chủ chốt của quốc gia.Bán thoải mái
Đề nghị trên được đưa ra trong bối cảnh Công ty Khai thác mỏ Shenhua Watermark Coal của Trung Quốc vừa thu mua nhiều khu đất nông nghiệp rộng lớn giàu than đá ở New South Wales, nơi được dự báo là có trữ lượng than đủ để khai thác trong 30 năm. Thỏa thuận này đã được FIRB phê chuẩn nhưng người dân Australia chỉ trích rằng chính phủ đã sai khi để mất quyền kiểm soát nguồn tài nguyên quan trọng như thế.Các vùng đất nông nghiệp ở miền Đông Australia đang thu hút sự quan tâm của các công ty nước ngoài khai thác các mỏ khí đốt. Australia cũng là một trong những địa chỉ đầu tư ra nước ngoài lớn nhất của Trung Quốc. Theo một cuộc thăm dò mới đây do Viện nghiên cứu độc lập Lowy có trụ sở ở Sydney thực hiện thì 57% dân Australia nghĩ chính quyền Canberra cho phép quá nhiều dự án đầu tư Trung Quốc tại Australia.
Các thành viên Đảng Xanh cho rằng Australia chưa thu lợi đủ từ thương mại khoáng sản đang phát đạt, nhất là quặng sắt. Các số liệu chính thức khác cho thấy người nước ngoài làm chủ khoảng 50% ngành công nghiệp mỏ Australia. Còn theo đảng này, 83% công nghiệp mỏ của Australia là do nước ngoài làm chủ.
Ngoài khoáng sản, Australia còn là quốc gia có quỹ đất nông nghiệp dồi dào và kỹ thuật làm nông nghiệp ở trình độ cao và do vậy xứ sở chuột túi đang trở thành mục tiêu đối với nhiều công ty nông nghiệp lớn trên thế giới.
Trong bối cảnh dân số tăng nhanh, quỹ đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp do biến đổi khí hậu và quá trình đô thị hóa, giá lương thực trên thị trường thế giới và nhu cầu chuyên canh các loại cây trồng ngày càng cao, thì trào lưu người nước ngoài mua đất có diện tích lên tới hàng chục hay hàng trăm ngàn hécta ngày càng ồ ạt.
Theo Sky News, trong thời gian qua các nhà đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc, Canada, Singapore và Mỹ đã chi hàng chục tỷ đô la Australia (AUD) nhằm sở hữu nguồn đất nông nghiệp và các nhà máy sản xuất thuộc khu vực nông thôn của Australia.
Alberta Investment Management Corp, một quỹ hưu trí của Canada, hiện được cho là nhà sở hữu đồn điền lớn nhất ở Australia sau khi chi tới 415 triệu AUD để mua 250.000 ha đồn điền do nhà quản lý địa phương Great Southern sở hữu trước đó. Quỹ này đã mở rộng danh mục đầu tư ở Australia, đồng thời đang “nhòm ngó” khoảng 130.000 ha của công ty Elders Forestry. Trong khi đó, công ty đầu tư lâm nghiệp Global Forest Partners của Mỹ cũng đã trả 340 triệu AUD để mua 39.000 ha của Timbercorp, cùng với quyền thuê 53.000 ha khác.
Quy định lỏng lẻo
Một kết quả điều tra cho thấy xu hướng trên sẽ còn tiếp tục và số tiền đầu tư sẽ còn gia tăng mạnh. Tình trạng đầu tư ồ ạt vào đất nông nghiệp hoặc các vùng đất hoang cũng là nguyên nhân đẩy giá tăng lên chóng mặt. Những cơn sốt giá đất khiến nông dân đua nhau bán đất.Mặc dù việc bán đất với giá cao được coi là tín hiệu tích cực đối với những gia đình nông dân khó khăn về kinh tế, nhưng làn sóng trên đang rung lên hồi chuông cảnh tỉnh đối với chính phủ Australia với nhiều lý do khác nhau. Trào lưu này đã làm gia tăng những lo ngại về nguy cơ mất chủ quyền quốc gia vì nguồn đầu tư không được kiểm chứng.
Theo số liệu của chính phủ, 99% đất nông nghiệp vẫn nằm trong tay các gia đình nông dân, nhưng nhiều ý kiến nhận xét các quy định hiện hành đối với nguồn đầu tư nước ngoài tại Australia là hết sức “lỏng lẻo”, bởi cho tới thời điểm này không một cơ quan chức năng nào nắm bắt được số lượng đất nông nghiệp cụ thể đã được bán cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Hiện không có số liệu thống kê đầy đủ về số lượng đất nông nghiệp tại Australia đã bị nước ngoài sở hữu vì các khoản đầu tư dưới 231 triệu AUD thì không cần xin phép FIRB. Tuy nhiên, theo số liệu do các công ty bất động sản báo cáo, nhu cầu của các doanh nghiệp nước ngoài đối với đất nông nghiệp ở Australia đang ở mức cao nhất trong vòng 10 năm qua.
Ngoài việc FIRB không có quy định kiểm soát việc người nước ngoài mua đất nông nghiệp, nhiều người còn cho rằng chính phủ không quan tâm đúng mức tới thực tế rằng trong bối cảnh an ninh lương thực đang bị đe dọa vì biến đổi khí hậu, một số nước giàu đang đầu tư có chiến lược lâu dài vào đất nông nghiệp ở các nước khác.
Người đứng đầu Phòng Chính sách thương mại thuộc FIRB Patrick Colmer thừa nhận rằng với các quy định đầu tư hiện hành, một công ty nước ngoài có thể mua cả một quận của Australia, từ nông trại này đến nông trại khác mà không gặp phải sự kiểm soát nào (Daily Telegraph).
Chủ tịch Liên đoàn nông dân tiểu bang Victoria (VFF), ông Andrew Broad, cho rằng đất đai và các quyền sử dụng nguồn nước đi kèm lẽ ra nên được bán cho các nông dân địa phương hơn là bán cho người nước ngoài. Theo ông, đây là một mối lo ngại lớn đối với tất cả người dân Australia trong tuần qua, đặc biệt là sau khi có thông tin cho biết chính phủ Qatar đã mua hơn 8.000 ha đồng cỏ ở phía Tây bang Victoria. VFF đang tìm cách vận động Thượng viện tiến hành một cuộc thẩm tra về vấn đề này.
Riêng trong vấn đề quyền sở hữu đất đai Australia, Đảng Xanh, một đảng tuy nhỏ nhưng đầy thế lực trên chính trường Australia, cho rằng nếu nước ngoài muốn mua đất nông nghiệp của Australia họ phải thực hiện chế độ đăng ký, đồng thời yêu cầu FIRB hạ mức xét duyệt tổng giá trị đất đai người nước ngoài có thể mua từ 231 triệu USD xuống 5 triệu USD để quản lý chặt nguồn đất nông nghiệp.
Ngoài ra, bất kỳ chính sách nông nghiệp hiệu quả nào cũng phải mang lại lợi ích xứng đáng với công sức và vốn đầu tư người nông dân đổ vào sản xuất, tránh tình trạng nông dân nước này trở thành người làm thuê trên đất của mình.
“Lời nguyền tài nguyên”?
Trong bài viết với nhan đề “Australia đang trở thành mỏ khai thác của thế giới?” được đăng trên tờ Global Post số ra gần đây nhận định, mặc dù nguồn tài nguyên thiên nhiên của Australia đã mang lại sự thịnh vượng cho quốc gia này, nhưng việc phụ thuộc vào của cải sẵn có đã khiến cho cấu trúc nền kinh tế nước này xuất hiện nhiều lỗ hổng.Mặc dù với lực lượng lao động có học vấn cao và cơ sở hạ tầng có đẳng cấp trên thế giới, nhưng hầu như Australia thua xa các nước khác về trình độ và tốc độ phát triển các ngành công nghiệp chế tạo, khoa học kỹ thuật…
Australia phụ thuộc quá lớn vào xuất khẩu các mặt hàng thô như năng lượng, than đá, quặng sắt và thiếu các nhà máy lớn chuyên sản xuất các mặt hàng cao cấp. Australia chỉ dựa vào lĩnh vực xuất khẩu tài nguyên, xem đó là một lợi thế mà quên đi việc vài phát triển các ngành nghề khác.
Trong thời buổi khủng hoảng kinh tế toàn cầu, từ New York đến Nuremberg, người ta đều “thắt lưng buộc bụng” thì tại thành phố Sydney, người Australia vẫn kiếm bộn tiền từ các xe chở đầy quặng sắt “giao” cho khách hàng Trung Quốc vẫn ra vào tấp nập.
Các nhà phân tích và chính trị Australia gần đây buộc phải lên tiếng cảnh báo nhiều về khả năng đất nước này sẽ mắc kẹt vào cái gọi là “lời nguyền tài nguyên” vì “không có gì tồn tại mãi mãi”. Lời nguyền này giải thích vì sao các nước có trữ lượng lớn tài nguyên thiên nhiên có khuynh hướng ít ổn định và thịnh vượng hơn so với những nước không có.
(Theo SGGP)
- 139
- By Admin
- 15/07/2011
- 17