• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Ánh sáng đẹp cho ngôi nhà đẹp

Có hai loại nguồn sáng, đó là nguồn sáng tự nhiên và nguồn sáng nhân tạo. Nguồn sáng tự nhiên: được phát ra từ những thực thể phát sáng trong tự nhiên như mặt trời, trăng, sao... mà chủ yếu là nguồn sáng từ mặt trời. Chúng ta không điều khiển được nguồn sáng tự nhiên nhưng có thể thay đổi, điều tiết ánh sáng từ thiên nhiên bằng cách chọn thời điểm, chọn không gian hay những dụng cụ hỗ trợ để điều chỉnh tính chất và cường độ ánh sáng chiếu tới nơi cần chiếu sáng. Còn nguồn sáng nhân tạo: là các loại đèn do con người tạo ra. Với nguồn sáng nhân tạo, ta có thể chủ động bố trí, điều chỉnh được. Ở bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập tới nguồn sáng nhân tạo và chiếu sáng nhân tạo.

Có hai dạng ánh sáng: trực tiếp và gián tiếp. Ánh sáng trực tiếp (ánh sáng thẳng - direct light): là ánh sáng đi thẳng từ nguồn sáng (đèn) đến môi trường, chủ thể cần chiếu sáng. Ánh sáng trực tiếp có cường độ mạnh, tạo nên bóng đổ rõ sắc nét. Trong công trình kiến trúc, ánh sáng đi qua cửa kính trong suốt cũng được coi là ánh sáng trực tiếp. Ánh sáng gián tiếp (indirect light) hay còn gọi là ánh sáng phân tán (diffuse light): là ánh sáng được khuếch tán qua một môi trường khác như đám mây, tấm rèm. Một loại khác của ánh sáng gián tiếp là ánh sáng phản chiếu (bounce light): là loại ánh sáng được chiếu vào bề mặt rồi phản chiếu đến chủ thể. Sự phản chiếu bề mặt này có thể xảy ra nhiều lần trên các bề mặt khác nhau. Ánh sáng gián tiếp đều và dịu, thường không rõ bóng đổ.

 

Chiếu sáng trong kiến trúc - nội thất

Đã qua cái thời "chiếu sáng" chỉ là lắp cái bóng đèn. Chiếu sáng bây giờ đòi hỏi cao hơn nhiều về thiết kế và kinh phí. Chất lượng không gian kiến trúc và nội thất được nâng cao, cùng với sự đa dạng phong phú của các chủng loại đèn là những yếu tố tác động lẫn nhau để chiếu sáng không dừng lại ở yếu tố công năng sử dụng, mà còn mang giá trị thẩm mỹ.

Chiếu sáng trong kiến trúc - nội thất có nhiều dạng, nếu xét theo tính chất của ánh sáng, ta cần quan tâm đến chiếu sáng trực tiếp và chiếu sáng gián tiếp.

- Nguồn sáng trực tiếp thường được tạo ra, xuất phát từ các loại đèn trần, đèn tường. Kiểu chiếu sáng này phổ biến và tương đối hiệu quả về công năng. Tuy nhiên, chiếu sáng trực tiếp cũng có nhược điểm là đều và gây nhàm chán, thiếu cảm xúc.

- Chiếu sáng gián tiếp thường được kết hợp để bổ sung cho chiếu sáng trực tiếp, làm ánh sáng trong không gian sinh động hơn. Ánh sáng gián tiếp có thể vẫn được tạo ra từ các loại đèn được che nguồn phát sáng, hay từ các ô, các khe trần - tường hắt ra và phản xạ. Cách làm này thường được kết hợp cùng giải pháp nội thất khác. Ánh sáng gián tiếp dịu nhẹ, tạo được hiệu quả thẩm mỹ, không gây chói cho người sinh hoạt trong không gian đó.

Nếu xét về mục đích chiếu sáng:

 

- Chiếu sáng chung là dạng chiếu sáng đều khắp, đảm bảo cho các sinh hoạt và giao thông. Chiếu sáng chung có thể sử dụng ánh sáng trực tiếp hay gián tiếp song cần bố trí đủ, đều, không quá chói. Nguồn sáng chung nên dùng màu trắng.

- Chiếu sáng tập trung (chiếu sáng cục bộ) để phục vụ cho các không gian làm việc hay sinh hoạt đặc thù. Chiếu sáng tập trung rất quan trọng bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công việc và sức khoẻ, tâm lý người sử dụng. Ví dụ: chiếu sáng cho khu vực nấu bếp, chiếu sáng bàn ăn, bàn làm việc... Chiếu sáng tập trung cần tính toán kỹ về cường độ sáng, màu sắc và đặc thù ánh sáng để chọn đèn cho phù hợp. Chiếu sáng tập trung nhất thiết sử dụng nguồn sáng trực tiếp.

- Chiếu sáng trang trí nhằm mục đích tăng giá trị thẩm mỹ của không gian kiến trúc - nội thất. Chiếu sáng trang trí có thể đặc tả, làm nổi bật hình khối, chi tiết nội thất như trần, tường hay tranh, ảnh, phù điêu, tượng...; nhưng cũng có thể chỉ tạo nên những mảng sáng, quầng sáng thuần tuý, kết hợp với bóng đổ để tạo hiệu quả thị giác. Chiếu sáng trang trí thường sử dụng ánh sáng vàng và có thể dùng cả ánh sáng trực tiếp và gián tiếp.

Tuy nhiên, mọi phân loại đều chỉ mang tính tương đối. Nếu biết kết hợp thì một hệ thống đèn có thể đảm nhận nhiều mục đích. Ví dụ như chiếu sáng chung dùng ánh sáng gián tiếp qua các hệ thống khe, mảng hắt ở trần, tường. Nếu kết hợp tốt với thiết kế các thành phần nội thất khác thì cũng mang yếu tố trang trí, thẩm mỹ. Căn cứ vào mục đích và tính chất chiếu sáng cũng như cụ thể không gian cần chiếu sáng, người thiết kế có thể linh hoạt đưa ra nhiều giải pháp theo nguyên lý và các thủ pháp chiếu sáng như chiếu sáng diện, điểm, tuyến...

Thiết kế chiếu sáng

Chiếu sáng chung dùng đèn nhiệt quang, kết hợp tạo điểm nhấn trang trí trên bề mặt Thiết kế một hệ thống chiếu sáng có nghĩa là phân bổ, sắp xếp các loại đèn trong không gian kiến trúc - nội thất để tạo nên hiệu quả sử dụng và thẩm mỹ phù hợp. Gần đây, việc thiết kế chiếu sáng phần nào được chú ý đúng mức, khác với trước kia, phần chiếu sáng thường ở nội dung thiết kế điện, thậm chí nằm chung bản vẽ mặt bằng bố trí với các thiết bị điện khác, do kỹ sư điện đảm nhiệm. Khi chưa có một chuyên ngành chiếu sáng riêng, với những chuyên gia am hiểu về thẩm mỹ kiến trúc, vật lý kiến trúc và kỹ thuật điện, thì việc phối hợp giữa kiến trúc sư và kỹ sư điện là cần thiết để đưa ra giải pháp hệ thống chiếu sáng phù hợp trên nhiều phương diện.

 

Kiến trúc sư phải là người đưa ra những ý tưởng cơ bản nhất cho thiết kế chiếu sáng: theo nguyên lý chiếu sáng nào, mục đích chiếu sáng là gì, dùng ánh sáng loại gì, màu sắc, vị trí nguồn sáng... Từ đó mới hình thành cơ sở để chọn những kiểu đèn, loại bóng đèn phù hợp. Một thiết kế chiếu sáng không tốt có thể làm hỏng không gian, hay thiết kế quá phức tạp có thể gây lãng phí và khó khăn khi sử dụng.

Sắm đèn là đi mua nguồn sáng

Ở góc độ tiêu dùng, mua đèn là đi mua nguồn sáng. Vì lẽ đó đèn chất lượng có nghĩa là đèn phải có nguồn sáng chất lượng (chứ không phải hình thức cái đèn). Vai trò của kiến trúc sư rất quan trọng trong thiết kế chiếu sáng, tư vấn đúng cho khách hàng lựa chọn loại đèn phù hợp. Một thiết kế chiếu sáng tốt phải đảm bảo công năng sử dụng, thẩm mỹ, bền vững và kinh tế. Kiến trúc sư cần làm rõ cho khách hàng hiểu về việc sử dụng đúng, phù hợp với nhu cầu để có những chọn lựa đúng.

Trong thực tế, việc mua đèn - mua nguồn sáng thường do chủ nhà tự làm. Và kết quả thường sai lệch nhiều so với thiết kế (dù chỉ ở dạng nguyên lý). Khi sang giai đoạn hoàn thiện công trình, chủ nhà thường nhìn những đầu "dây chờ" mà đi mua đèn, không hiểu rõ vị trí đèn này sử dụng với mục đích gì, cần dạng ánh sáng thế nào. Một sai lầm khi đi mua đèn là thường chỉ căn cứ vào kiểu dáng mà ít quan tâm đến yếu tố tính chất ánh sáng cũng như các thông số kỹ thuật như công suất, nguồn điện. Kết quả là đèn đẹp nhưng ánh sáng... xấu. Có một tình huống nữa là làm theo quy trình ngược: xem đèn rồi chọn mua, bảo thợ đi dây vào những vị trí muốn treo...

 

Chiếu sáng cho tranh Vấn đề cốt lõi cho cả người thiết kế và chủ nhà là phải hiểu nguyên tắc chiếu sáng cơ bản để "mua nguồn sáng" phù hợp. Tất nhiên chủ nhà cũng có quyền tham gia vào việc lựa chọn bởi họ là người sử dụng và hiểu rõ mình có nhu cầu chiếu sáng như thế nào. Nhưng cuối cùng thì cũng phải đạt được tiêu chí chiếu sáng đúng cách, đúng chỗ.

Một chiếc đèn rất đắt tiền nhưng nếu đặt sai chỗ, sai mục đích chiếu sáng sẽ không hiệu quả và lãng phí. Một bộ đèn chùm có thể rất đẹp nhưng nếu dùng bóng đèn compact sẽ làm mất đi vẻ lung linh huyền ảo. Một bức tranh/ảnh đặt dưới ánh đèn neon trắng sẽ cho màu sắc nhợt nhạt không trung thực... Khi đã hiểu được mục đích chiếu sáng và nắm rõ tính chất các loại đèn/bóng đèn thì rõ ràng việc đi "mua nguồn sáng" sẽ dễ dàng hơn nhiều.

"Chơi" sáng đúng cách

"Chơi sáng" ở đây được hiểu ở cả hai góc độ: thiết kế - lắp đặt và sử dụng hệ thống chiếu sáng. Và điều mấu chốt là ánh sáng đẹp chứ không phải đèn đẹp!

"Chơi sáng" đúng cách nghĩa là có một hệ thống chiếu sáng hợp lý, thẩm mỹ, kinh tế. Nếu quá tiết kiệm thì có thể sẽ thiếu sáng. Giải pháp thông thường là tăng công suất bóng song không hữu hiệu vì nguồn sáng sẽ phân bố không đều. Ngược lại, nếu quá nhiều đèn sẽ gây tốn kém không cần thiết và thậm chí quá sáng, loạn sáng gây khó chịu. Đây được gọi là tình trạng "ô nhiễm ánh sáng". Trong thực tế, có những thiết kế thiếu và thừa như vậy. Việc phối hợp các nguồn sáng với nhau để tạo ra các dạng chiếu sáng đan xen trong mỗi tình huống, trong từng trường hợp sinh hoạt cụ thể là một cách "chơi" đầy khoa học.

Đặc tả chi tiết trang trí nội thất "Chơi sáng" ở phía người sử dụng là biết vận dụng hệ thống chiếu sáng trong những tình huống sinh hoạt, làm việc cụ thể để đạt được hiệu quả công năng và thẩm mỹ, đồng thời tiết kiệm điện và giữ cho các bóng đèn bền lâu. Nhiều người vì tiết kiệm điện nên hay bật đèn neon thay vì bật đèn sợi đốt. Nhưng nếu chỉ bật trong một thời gian ngắn rồi tắt thì sẽ làm giảm tuổi thọ đèn. Có người luôn bật quá nhiều đèn để làm sang nhưng dễ gây tình trạng "ô nhiễm ánh sáng" như đã nói ở trên. Có trường hợp có hệ thống chiếu sáng rất tốt, rất thẩm mỹ nhưng lại "lười" không "chơi", chỉ bật những đèn sáng tối thiểu. Đó là sự lãng phí ở góc độ đầu tư. Người biết "chơi sáng" là biết bật đèn gì vào lúc nào. Ví dụ như tiếp khách xã giao nên bật đèn chiếu sáng chung để nhìn rõ mặt, sáng đều hai phía; nhưng nếu khách thân mật, nói chuyện tâm tình có thể chỉ sử dụng chiếu sáng trang trí. Khi nghe nhạc không nên bật quá nhiều đèn vì sẽ bị phân tâm với cảm nhận thị giác hơn là thính giác; khi ăn nhất thiết phải bật đèn bàn ăn (đèn thả) để nhìn rõ và tăng sự hấp dẫn của món ăn; khi soi gương, trang điểm phải bật đèn gương để nhìn màu cho chuẩn...

Một vấn đề khác liên quan đến việc "chơi sáng" là bố trí hệ thống công tắc phải hợp lý, dễ tìm, dễ nhận biết và dễ nhớ. Các công tắc nên phân tán theo đúng các khu vực và theo tuyến giao thông để tránh nhầm lẫn. Việc bật nhầm đèn thường xuyên sẽ gây tâm lý rất khó chịu và làm giảm tuổi thọ bóng đèn. Đã có rất nhiều các trường hợp mật độ bố trí công tắc quá dày trên một vị trí (do quá nhiều đèn, hoặc do khi thi công ngại đi dây sang tuyến khác...) nên gia chủ cũng không nhớ nổi và phải lấy bút ghi lên mặt hạt là công tắc gì cho đèn nào. Đây là một điều nên tránh trong cả quá trình thiết kế và thi công.

Nhưng dù "chơi sáng" kiểu gì, thì khi ra khỏi phòng, ra khỏi nhà, bạn nhớ kiểm tra đã tắt đèn hay chưa!.

KTS Nguyễn Trần Đức Anh
Theo VoVnews
  • 268
  • By Admin
  • 06/10/2009
  • 17