• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

An Giang: Dự án cầu Cây Dương có nhiều dầu hiệu khuất tất


An Giang: Dự án cầu Cây Dương có nhiều dầu hiệu khuất tất | ảnh 1
Khu vực 5 hộ dân sinh sống ngay chợ và cặp quốc lộ 91 có dân cư đông đúc nhưng bị áp khung bồi thường là đất ở nông thôn. Ảnh: Bình Đại

Nhập nhằng áp giá đất

Ngày 18/5/2011, Tổng cục Đường bộ Việt Nam có Quyết định 481 phê duyệt thiết kế kỹ thuật điều chỉnh cầu Cầy Dương (Km88 + 554.88) để cải tạo mạng lưới đường quốc gia (bước 2, giai đoạn 1). Huyện Châu Phú được giao trách nhiệm bồi hoàn giải tỏa mặt bằng để thực hiện dự án. Lúc bấy giờ, trên địa phận xã Mỹ Bình có 22 tổ chức và cá nhân bị ảnh hưởng. Đến nay, chỉ còn 5 hộ dân (bị giải tỏa trắng) chưa chịu giao mặt bằng, gồm các hộ: Nguyễn Văn Út, Nguyễn Văn Trúc, Trần Bá Xuân, Phạm Văn Giang, Lương Thị Hương Trang.

Ông Nguyễn Văn Út trình bày: “Năm 1990, gia đình tôi sang nhượng phần đất 120m² của bà Lê Thị Như Ý và cất nhà trên toàn bộ phần đất này để ở và buôn bán đến nay. Năm 1993, một vụ cháy lớn xảy ra khiến nhà của 120 hộ dân sống ở khu vực chợ bị thiêu rụi nhưng rất may 5 hộ dân liên kế nhà tôi nhà cửa còn nguyên. Sau vụ cháy, chính quyền địa phương thực hiện dự án xây dựng chợ Vàm Xáng Cây Dương, giải tỏa trắng các hộ bị hỏa hoạn và dự tính giải tỏa luôn 5 hộ dân còn lại, trong đó có nhà tôi.

Tuy nhiên, các hộ dân này không đồng tình, khiếu nại nên được ở đến nay và vẫn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế. 5 hộ dân này dù có đất ở hợp pháp, được chính quyền xác nhận nhưng vẫn không làm được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khu đất này chúng tôi đã ở từ trước khi Luật Đất đai ra đời ngày 15/10/1993 nhưng đến nay vẫn bị xếp vào loại đất ở nông thôn”. Theo ông Út, năm 1995, khi thực hiện Nghị định 36/CP của Chính phủ về giải tỏa hành lang an toàn lộ giới trên quốc lộ, chính quyền có tháo dỡ phần kiến trúc từ mặt đường vào 7m (khoảng 32,2m² ở trước nhà ông) và không bồi thường đất nên gia đình vẫn sử dụng phần sân nhà này. Khi thực hiện dự án cầu Cây Dương, UBND huyện Châu Phú ra quyết định thu hồi, chỉ bồi thường 66,6m² đất (phần giữa nhà), với giá 1,8 triệu đồng/m², trừ phần đất phía trước 32,2m² và phía sau 22m² không bồi thường.

Ông Út bức xúc: “Ngày xưa giải tỏa hành lang chứ đâu có thu hồi đất và bồi thường nhưng Ban giải phóng mặt bằng huyện không bồi thường phần đất phía trước. Trong khi đó, các hộ cùng dãy với gia đình tôi cũng bị giải tỏa nhưng họ được nhận tiền bồi thường từ phần đất phía trước. Từ khi sang nhượng đất, xây dựng nhà cấp 4 ở ổn định đến nay, tôi không lấn chiếm nhưng huyện vẫn nói 22m² đất phía sau lấn chiếm đất công nên không bồi thường”.

Sau khi giải tỏa trắng, huyện Châu Phú thực hiện tái định cư theo 2 dạng. Nếu hộ nào tự tìm chỗ ở khác được hỗ trợ 40 triệu đồng; nếu nhận nền tái định cư phải trả tiền bằng với giá bồi thường (1,8 triệu đồng/m²). Điều ngạc nhiên là đất của gia đình ông Út ở mặt tiền QL91 và gần trung tâm chợ, đang kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, phân bón nhưng không được tính hệ số K và hệ số sinh lợi kinh doanh.

Gia đình ông Nguyễn Văn Trúc, Trần Bá Xuân… sinh sống tại nơi đây từ năm 1981 và 1983 đến nay cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự khi bị giải tỏa trắng…

Cần làm rõ khuất tất

Ông Trần Văn Đảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Phú cho biết, có 40 hộ dân và tổ chức bị ảnh hưởng bởi dự án (thuộc 2 xã Bình Mỹ và Bình Lâm). Trước đây, thực hiện giải phóng hành lang an toàn lộ giới trên quốc lộ, tỉnh An Giang quyết định giải tỏa trên QL91 (đoạn qua huyện Châu Phú), mỗi bên vào 7m, không bồi hoàn đất. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, năm 1995, khi thực hiện Nghị định 36/CP của Chính phủ, chủ trương là tháo dỡ những vật kiến trúc, cây… trên phần lộ giới chứ không hề giải tỏa đất và không bồi thường vật kiến trúc, vì vậy người dân vẫn còn quyền về đất. Sau đó, một số đoạn làm đường rộng ra nằm trên phần đất 7m đã giải tỏa.

Đến nay, thực hiện dự án, tiếp tục làm cầu đường rộng thêm nên những trường hợp bị thu hồi thêm (ngoài phần 7m) thì phải bồi hoàn. Trong khi người dân bức xúc việc cùng một dãy nhà, không hề thấy đường nắn vào nhưng có hộ được bồi thường phần đất phía trước, có hộ không.

Ông Trần Thanh Tâm, Phó chánh Thanh tra huyện Châu Phú, cho biết: Theo quy định hiện hành, đất của các hộ dân bị ảnh hưởng là đất ở nông thôn, nằm ở vị trí 1, giá đền bù là 1,8 triệu đồng/m² (trong khi giá thị trường tại khu vực này từ 4 - 7 triệu đồng/m² - PV). Chính quyền huyện không thể áp dụng nhân hệ số K và hệ số sinh lợi kinh doanh đối với các trường hợp này vì không có trong quy định.

Trong khi đó, người dân phản ánh việc bồi thường giải phóng mặt bằng có nhiều khuất tất. Tổng số tiền bồi thường theo phương án được duyệt là hơn 9,098 tỷ đồng, với 40 trường hợp bị ảnh hưởng. Điều đáng chú ý là đợt chi tiền ngày 16/12/2011 có hơn 8,748 tỷ đồng. Trong số này, UBND xã Bình Mỹ nhận đến hơn 4,766 tỷ đồng. Khuôn viên, trụ sở của UBND xã Bình Mỹ nằm cách dự án hơn 2km. Lý giải điều này, một lãnh đạo UBND huyện Châu Phú cho rằng: “Do lúc giải tỏa làm chợ, một phần đất chừa ra làm công viên và các hạng mục khác nhưng đến nay chưa thực hiện. Khi bị giải tỏa làm cầu Cây Dương, phần đất này được bồi hoàn và giao cho UBND xã Bình Mỹ nhận tiền”.

Nhiều người dân sống lâu năm ở đây cho biết: Năm 1993, sau khi hỏa hoạn xảy ra tại khu vực này, chính quyền giải tỏa các hộ dân nơi đây để làm chợ mà không bồi thường tiền đất. Nhiều khiếu nại đến đến nay vẫn chưa giải quyết xong. Câu trả lời thỏa đáng vẫn nằm ở Ban giải phóng mặt bằng và UBND huyện Châu Phú.

(Theo SGGP)

  • 150
  • By Admin
  • 21/08/2012
  • 17