• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Ấn Độ: Xu hướng xây dựng các TTTM đang chậm lại

Trung tâm thương mại Centre One giờ thưa thớt khách mua sắm.

Báo cáo mới công bố của Images Reasearch cho thấy, có khoảng 470 trung tâm thương mại hoạt động trong năm nay tại Ấn Độ, tăng mạnh so với mức chỉ 50 trung tâm thương mại hồi năm 2005 và con số này có thể tiếp tục tăng lên 720 vào năm 2016. Chính phủ Ấn Độ cũng đã nới lỏng các quy định đầu tư nước ngoài trong một động thái nhằm thu hút các siêu thị quốc tế và thúc đẩy nền kinh tế thông qua hoạt động bán lẻ.

Tuy nhiên, theo Susil Dungarwal, nhà sáng lập Beyond Squarefeet (một công ty tư vấn và quản lý trung tâm thương mại), 90% trung tâm thương mại tại Ấn Độ đang phải vật lộn với tình hình kinh doanh khó khăn và chỉ 15 trung tâm trong số này được coi là hoạt động hiệu quả và thành công. Dungarwal cũng như nhiều nhà phân tích khác cho rằng, phần lớn các trung tâm thương mại của Ấn Độ đang gặp nhiều khó khăn khi giá bất động sản đang ở mức cao, quy hoạch kém và nhu cầu tiêu thụ yếu do nền kinh tế phát triển chậm lại.

Khi mới khai trương vào năm 2003, trung tâm thương mại 3 tầng, rộng 14.000 m2 Centre One được coi là trung tâm mua sắm đẳng cấp thế giới tại Navi Mumbai, một đô thị vệ tinh được phủ kín các văn phòng và căn hộ cao cấp. Tuy nhiên, do vấp phải sự cạnh tranh từ các trung tâm thương mại thậm chí còn lớn hơn và tổ chức tốt hơn như Inorbit và Raghuleela, Centre One đã gặp không ít khó khăn.

Chỉ tính riêng năm ngoái, Milan Mall và City Mall tại ngoại ô Mumbai đã phải đóng cửa, trong khi 2 trung tâm khác như Evershine và Mega Mall phải hoạt động cầm chừng. Chủ tịch công ty tư vấn Technopak, Saloni Nangia nhận định: "Đang tồn tại sự không tương xứng khổng lồ giữa nhu cầu tiêu thụ và tốc độ mở rộng bất động sản bán lẻ". Trong thập niên qua, các nhà phát triển và xây dựng đã đổ xô xây dựng mà không tính đến khả năng một trung tâm thương mại cần làm gì để tồn tại. Tại thành phố Gurgaon ở bang Haryana (miền bắc Ấn Độ), hàng chục trung tâm thương mại liên tiếp mọc lên, song không phải tất cả chúng đều đang hoạt động, theo lời Devangshu Dutta, Giám đốc điều hành công ty tư vấn bán lẻ Third Eyesight.

90% trung tâm thương mại tại Ấn Độ đang phải vật lộn với tình hình kinh doanh khó khăn và chỉ 15 trung tâm trong số này được coi là hoạt động hiệu quả và thành công.

Mặt khác, việc "cầu vượt cung" về bất động sản cũng đồng nghĩa với các trung tâm thương mại không lấp đủ chỗ trống. Thế nhưng, giá bất động sản tại Ấn Độ lại thuộc nhóm cao nhất thế giới khi chi phí thuê mặt bằng đã tăng 300% tại Mumbai, cao gấp 50 lần so với các chợ như tại New Delhi, Bangalore, Chennai hay Kolkata. Vì vậy, các nhà bán lẻ phải đối mặt cùng lúc với hai khó khăn là giá bất động sản cao trong khi hoạt động kinh doanh ảm đạm. Họ cũng vấp phải sự cạnh tranh gay gắt hơn từ các nhà bán lẻ trực tuyến như Flipkart (được coi là Amazon của Ấn Độ), vốn có thế mạnh sẵn sàng giao hàng tận nơi khách mua với chi phí thấp nhất, chỉ với một cú nhấp chuột. Vì vậy, trong thời gian tới, các trung tâm thương mại tại Ấn Độ sẽ phải tìm mọi cách để hấp dẫn người mua, cũng như khẳng định họ đủ khả năng để thu hút khách hàng quay trở lại.

  • 162
  • By Admin
  • 30/10/2013
  • 17