• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Ai lập quy hoạch cho Hà Nội và TP.HCM?

 Ai lập quy hoạch cho Hà Nội và TP.HCM?   Trong phiên họp hôm qua 21.4, các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung tranh luận xung quanh quy định: cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm lập quy hoạch cho đô thị đặc biệt (Hà Nội và TP.HCM).

Hiện tại, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (UBKT) và Cơ quan chủ trì soạn thảo dự luật vẫn chưa tìm được tiếng nói chung cho quy định về cơ quan tổ chức lập quy hoạch đối với đô thị đặc biệt. Trong khi cơ quan soạn thảo dự luật đề xuất, giao cho Bộ Xây dựng giúp Chính phủ tổ chức lập quy hoạch chung cho đô thị đặc biệt, thì UBKT lại đề nghị giao cho UBND các đô thị này trực tiếp làm, Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm thẩm định và trình Thủ tướng.

Chủ nhiệm UBKT Hà Văn Hiền đưa ra lý do: "Chính quyền đô thị là người nắm vững, đầy đủ và sâu sắc, toàn diện cả về thực trạng, triển vọng, yêu cầu phát triển đô thị. Vì thế, để UBND các đô thị tổ chức lập quy hoạch đô thị của mình sẽ đảm bảo cho việc giải quyết các vấn đề bức xúc của thực tiễn trên địa bàn". Lập luận của UBKT đã thuyết phục được Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu nghiêng về phương án này.

Tại kỳ họp thứ 4 QH khóa XII, có một số ý kiến đề nghị luật phải có những quy định bảo vệ quyền lợi của người dân bị tác động bởi quy hoạch đô thị và quy hoạch “treo". Tình trạng quy hoạch “treo” đã và đang gây bức xúc cho người dân, nhất là đối với các thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội. Tuy nhiên, dự thảo mới được trình UBTVQH ngày hôm qua cũng chưa bổ sung nội dung này và khi thảo luận cũng không đại biểu nào có ý kiến.

Ban soạn thảo dự luật cũng có cái lý của mình khi nêu quan điểm nên giao trách nhiệm cho Bộ Xây dựng tổ chức lập quy hoạch cho các đô thị đặc biệt: "Việc lập quy hoạch đô thị đặc biệt phải được đặt trong mối quan hệ với các vùng xung quanh". Và để đảm bảo giải quyết tốt mối quan hệ với các khu vực xung quanh thì cơ quan trung ương (Bộ Xây dựng - PV) sẽ có cái nhìn toàn diện hơn, thực hiện tốt hơn.

Ông Hiền phản biện, không nhất thiết là Bộ làm thì mới có liên kết vùng bởi khi địa phương làm nhưng mỗi bước thì Bộ Xây dựng đều phải thẩm định. Điều này sẽ đảm bảo được việc giải quyết hài hòa mối quan hệ với các vùng xung quanh.

Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên cho rằng, nên hiểu khi nói Bộ Xây dựng tổ chức lập quy hoạch thì không có nghĩa là Bộ này trực tiếp làm và cũng không có nghĩa là Bộ sử dụng trực tiếp đội ngũ cán bộ trong Bộ để làm mà có thể là hình thành tổ tư vấn, tổ tư vấn có thể thuê người trong nước hoặc người nước ngoài, thậm chí là người nước ngoài hoàn toàn để lập quy hoạch.

Về đề xuất lập Hội đồng Kiến trúc quy hoạch tại các tỉnh, thành và chức danh Kiến trúc sư trưởng (KTST) tại các thành phố trực thuộc trung ương và tỉnh có đô thị có ý nghĩa quốc gia về văn hóa, lịch sử cần bảo tồn, Ban soạn thảo dự luật và UBKT đã thống nhất. Tuy nhiên, khi thảo luận, các ủy viên UBTVQH vẫn chưa thống nhất được nội dung này.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho biết, ông rất băn khoăn khi trước đây Hà Nội và TP.HCM đã có một thời gian dài thực hiện thí điểm mô hình KTST nhưng rồi lại thôi, nay lại tổ chức lại, nhất là việc đó lại chưa được tổng kết cụ thể. Theo Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng, chưa nên quy định nội dung này vào luật. Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội - bà Trương Thị Mai đề nghị làm rõ, nếu thực hiện mô hình KTST thì chức năng của Sở Quy hoạch - Kiến trúc sẽ như thế nào? Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết: "Đương nhiên khi có KTST thì chức năng của Sở Quy hoạch - Kiến trúc sẽ chấm dứt". Theo ông Nam, nếu được QH chấp thuận cho lập chức danh KTST thì sẽ thực hiện đồng loạt luôn, không thí điểm nữa, vì "Sở Quy hoạch - Kiến trúc vừa đá bóng vừa thổi còi, và trong thời gian vừa qua, kiến trúc cũng phát triển lộn xộn" - Thứ trưởng Nam nhấn mạnh.

Theo Thanh nien Online

  • 149
  • By Admin
  • 22/04/2009
  • 17