Ai được nhận "món quà" nhà siêu rẻ ?
Gần đây thông tin về việc Sở Xây dựng đang soạn thảo chỉ tiêu cho cán bộ, viên chức từng sở ngành, quận huyện được thuê mua 250 căn nhà xã hội với giá chỉ khoảng 6 triệu đồng/m2 đang được dư luận rất quan tâm. Vậy các đối tượng nào sẽ được mua nhà xã hội với giá rẻ này?
Cuối tháng 4-2011, 300 căn hộ nhà xã hội dưới hình thức thuê mua đã được khánh thành tại khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội với giá khoảng 6 triệu đồng/m2. Kinh phí đầu tư dự án do chủ đầu tư là Cty TNHH Một thành viên Quản lý và Phát triển Nhà Hà Nội huy động và vay từ Quỹ đầu tư phát triển TP.
Tổng diện tích sàn xây dựng 22.477 m2, bao gồm bảy khối nhà cao sáu tầng, không thang máy, bố trí 300 căn hộ với diện tích từ 36- 63m2. Do được ưu đãi về tiền sử dụng đất, các loại thuế nên giá căn hộ tại đây khá thấp so với giá thị trường. Chủ đầu tư đã đề xuất giá bán khoảng 6 triệu đồng/m2, như vậy, các căn hộ tại đây chỉ có giá từ 220-380 triệu đồng.
Đối tượng nào sẽ được mua nhà xã hội với giá siêu rẻ này? |
UBND TP đã chỉ đạo dành 50 căn hộ dạng thuê mua để bán cho các đối tượng chính sách, 250 căn còn lại sẽ bán cho cán bộ, viên chức khó khăn về nhà ở đang hưởng lương ngân sách Nhà nước. Vì số lượng căn hộ quá ít, nên Sở Xây dựng Hà Nội đang soạn thảo trình UBND TP phê duyệt chỉ tiêu cho cán bộ, viên chức từng sở ngành, quận huyện được mua 250 căn nhà xã hội nêu trên.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đối tượng được thuê mua nhà 6 triệu đồng/m2 gồm hộ gia đình cán bộ, công chức, viên chức, sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang hưởng lương từ ngân sách Nhà nước làm việc trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội. Ngoài ra, đối tượng được thuê mua phải đáp ứng các điều kiện như chưa có sở hữu nhà ở và chưa được mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước; có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng có diện tích ở bình quân trong hộ gia đình dưới 5m2 sàn/người; có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng là nhà ở tạm, hư hỏng dột nát; chưa từng được Nhà nước hỗ trợ về nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức; phải có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú dài hạn tại Hà Nội (riêng đối tượng thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, nếu chưa có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội thì phải có xác nhận của đơn vị nơi người đó đang công tác về chức vụ, thời gian công tác, thực trạng về nhà ở). Đồng thời, người được mua phải có mức thu nhập bình quân hàng tháng không thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân từ thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật. Cuối cùng, người mua phải có khả năng thanh toán lần đầu bằng 20% giá trị nhà ở được thuê mua. Số tiền còn lại được trả dần trong vòng 5-10 năm, tùy theo nhu cầu, khả năng; chia đều theo các tháng, cộng thêm lãi suất ngân hàng. Đến năm thứ 10 người thuê mua được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ, được quyền bán căn hộ khi có khả năng đổi chỗ ở khác tốt hơn. Tuy nhiên, khi bán, Nhà nước sẽ thu lại tiền gốc của căn nhà, chủ nhà chỉ được hưởng phần lãi. Đồng thời, chủ hộ phải cam kết không được xin hỗ trợ về nhà ở từ các dự án nhà ở khác của Nhà nước. Ông Tuấn nhấn mạnh: “Đặc biệt, nếu muốn thanh toán trước thời hạn cũng không được, vì Nhà nước cho trả dần, mà có khả năng trả ngay một lần là đã thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn. Đầu tư loại nhà này, mục tiêu của Nhà nước là hỗ trợ, tạo điều kiện cho những người thực sự khó khăn có nhà ở bằng hình thức trả dần. Do đó, nếu chủ hộ hết khó khăn, cơ quan quản lý sẽ mua lại nhà để bán cho người khác, tránh tình trạng lợi dụng chính sách của Nhà nước để mua đi bán lại kiếm lời”. Người có nhu cầu thuê hay mua nhà xã hội sẽ làm đơn theo mẫu, có xác nhận của nơi làm việc về thu nhập cá nhân, xác nhận của địa phương về điều kiện ở, số lượng người trong hộ.
Cũng theo ông Tuấn, hiện đã có 52 hộ gia đình chính sách do UBND các quận, huyện gửi danh sách lên Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, được trình lên Hội đồng xét duyệt TP và Hội đồng đã thống nhất trình UBND TP duyệt thuê mua.
Ngoài ra, TP sẽ căn cứ vào chỉ tiêu để phân bổ cho các quận. UBND các quận có trách nhiệm thông báo cho các đơn vị trên địa bàn. Cán bộ công nhân viên chức phù hợp với các điều kiện, có nhu cầu về nhà ở, làm hồ sơ gửi cơ quan đang làm việc để xét duyệt lần đầu. Sau đó, hồ sơ được gửi tiếp về quận xem xét lần hai, rồi gửi lên Hội đồng xét duyệt của TP.
Để bảo đảm không xảy ra tiêu cực, hồ sơ của người mua nhà sẽ được Hội đồng xét duyệt, gồm liên ngành Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Mặt trận Tổ quốc, Liên đoàn Lao động, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội xem xét lần cuối trước khi trình UBND TP thông qua.
Ngoài ra, cứ ba năm sẽ xét duyệt lại một lần. Nếu vẫn còn khó khăn thì tiếp tục được thuê, nếu đã thoát khỏi khó khăn, có cuộc sống khá giả hơn phải trả lại nhà, để cho người khác thuê. Với trường hợp cho thuê lại hoặc bán trước thời hạn 10 năm thì căn hộ sẽ bị thu hồi.
(Theo PL&XH)
- 0
- By Admin
- 27/05/2011
- 17