AZLand đã tháo chạy khỏi dự án Hùng Vương-Tiền Châu như thế nào?
Gần đây nhiều bài báo phản ánh tai tiếng mà Công ty BĐS AZLand đã gặp phải, mà chủ yếu là sự thất hứa với các khách hàng của mình. Mới đây, một hiện tượng mới lại xuất hiện khi nhiều khách hàng của AZLand đã tố công ty này có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tại dự án Hùng Vương – Tiền Châu tại Phúc Yên, Vĩnh Phúc.Hợp tác lòng vòng
Dự án Hùng Vương –Tiền Châu có quy mô 82,34ha được UBND tỉnh Vĩnh Phúc chấp thuận cho Công ty TNHH Thăng Long (nay là CTCP Xây dựng Thăng Long, có trụ sở tại số 266 đường Hai Bài Trưng, Phường Hùng Vương, Phúc Yên, Vĩnh Phúc) làm chủ đầu tư vào cuối 2004, với tổng mức đầu tư 385,8 tỷ đồng. Đến 8/5/2006 dự án được phê duyệt quy hoạch 1/500. Theo chứng nhận quyền sử dụng đất của Thăng Long, dự án này có 14,55ha đất sử dụng lâu dài dùng xây biệt thự và nhà chia lô, 474,9ha đất có thời hạn 50 năm xây hạ tầng và công trình công cộng khu đô thị.Dự án Hùng Vương-Tiền Châu |
Sau khi dự án được cấp phép đầu tư, đã có 4 tổ chức tham gia liên danh, hợp tác kinh doanh được ký kết, khiến việc huy động vốn cũng lằng nhằng xảy ra từ đó. Thậm chí, đã có lô liền kề được 2 công ty cùng ký hợp đồng góp vốn cho hai khách hàng khác nhau, tạo nên sự chồng lấn, gây tranh cãi thời gian qua.
Ngày 23/03/2009, giữa chủ đầu tư dự án là Thăng Long và CTCP Lê Minh M.C (Lê Minh, có trụ sở tại số 24 đường 24, P11, Tp.HCM) có ký một Hợp đồng liên danh số 01.09/HĐLD/LMMC-TL để cùng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và nhà ở khu đô thị này.
Liên danh thống nhất cử Công ty Lê Minh, người đại diện là ông Nguyễn Ngọc Minh (Giám đốc) ký và giải quyết các hồ sơ pháp lý liên quan đến dự án, Thăng Long chỉ là đồng chủ đầu tư cùng tham gia công việc của dự án. Tổng số vốn góp ban đầu được thống nhất là 110 tỷ đồng, trong đó Lê Minh chiếm 97% còn lại 3% Thăng Long góp. Tổng vốn đầu tư Dự án khi đó ước tính là 2.115 tỷ đồng.
Ngày 21/6/2010, Lê Minh và CTCP Bất động sản AZ (AZland) đã ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh số 01.10/HĐHTKD/LM-AZ. Theo đó, AZland có quyền tiến hành các hoạt động khai thác kinh doanh sản phẩm Dự án Hùng Vương – Tiền Châu sau khi AZland hoàn tất thanh toán góp vốn đợt 1 và đợt 2 tương đương số tiền là 200 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến ngày 14/7/2010, Lê Minh đã gửi cho AZ công văn về việc thanh lý hợp đồng này với lý do AZland vẫn chưa hoàn tất nghĩa vụ thanh toán đợt 1 nhưng đã tự ý công bố nội dung về dự án và tiến hành các giao dịch với khách hàng.
Ngay từ thời điểm đó, Lê Minh đã yêu cầu AZland ngừng toàn bộ các hoạt động giao dịch với khách hàng về việc mua bán đất tại dự án Hùng Vương – Tiền Châu. Tuy nhiên, sau thời gian đó AZland vẫn tiến hành ký kết các Hợp đồng góp vốn với khách hàng cá nhân, thu tiền của những khách hàng này.
Tháng 4/2011, Tòa án nhân dân Tp.Hà Nội đã có Thông báo về việc thụ lý đơn yêu cầu độc lập của Thăng Long về việc tranh chấp giữa hai bên và thanh lý Hợp đồng liên danh với Lê Minh vì Lê Minh đã vi phạm điểm 6.5 Điều 6 của Hợp đồng này, hai bên sẽ thanh lý hợp đồng và giải quyết hậu quả theo pháp luật. Điểm 6.5 quy định: “Mỗi bên có quyền mới các nhà đầu tư thứ phát góp vốn tham gia dự án nhưng phải được chấp nhận từ bên kia.”
Ngày 30/07/2011, Lê Minh và và Thăng Long đã tiến hành thanh lý Hợp đồng liên danh ở trên. Theo đó, các bên đồng ý kể từ ngày ký thanh lý, mọi ngĩa vụ và quyền lợi của Lê Minh tại Dự án được chấm dứt, hai bên không còn bất kỳ ràng buộc pháp lý nào. Tổng giá trị Lê Minh đầu tư vào dự án là 410 tỷ, và Lê Minh thông báo đã chuyển toàn bộ vốn góp, nghĩa vụ và quyền lợi cho La Giang theo như nội dung Hợp đồng được ký kết giữa hai bên. Lê Minh đã nhận từ AZ 80 tỷ, La Giang còn có trách nhiệm thanh toán tiếp cho Lê Minh là 150 tỷ. La Giang chịu toàn bộ trách nhiệm thanh toán hoàn trả gốc và lãi cho Ngân hàng NN&PTNN chi nhánh Phúc Yên.
Cùng ngày 30 tháng 7 năm 2011, Thăng Long đã ký Hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty Cổ phần La Giang (Công ty con Azland để thực hiện dự án Hùng Vương – Tiền Châu). Theo nội dung của Hợp đồng này, hai bên thống nhất tỷ lệ góp vốn là Thăng Long góp 15% chi phí đầu tư dự án, La Giang góp 85% chi phí đầu tư dự án. Phân chia lãi, lỗ được xác định theo nguyên tắc phân chia diện tích đất thương phẩm theo tỷ lệ 15% và 85%, và mỗi bên tự tổ chức khai thác kinh doanh.
Kết quả đã có 286 hợp đồng góp vốn được AZ và La Giang ký kết với khách hàng để huy động vốn cho dự án này, tổng giá trị lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Đột nhiên “chạy mất”…
Sau khi có nhiều buổi làm việc với khách hàng, ngày 11/4/2012, ba bên gồm Lê Minh, AZland và La Giang (không có Thăng Long) đã ký một Biên bản thỏa thuận với nội dung: “giải quyết nghĩa vụ với khách hàng tại dự án Hùng Vương – Tiền Châu”.Bản thỏa thuận này chỉ rõ nguyên nhân “biến mất” khỏi dự án của AZLand như thế nào. Theo đó, AZland và La Giang đã đồng ý giao Lê Minh và Thăng Long đồng ý nhận các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ 286 hợp đồng trên. Với 2 lý do được đưa ra:
Một là, các bên cho rằng xét về mặt phát lý chỉ có Thăng Long và Lê Minh mới là chủ đầu tư chính thức của dự án. Vì vậy, để đảm bảo tính pháp lý, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện tiến tới bàn giao sản phẩm cho khách hàng, La Giang đã thanh lý hợp đồng với Thăng Long và ngày 20/03/2012 Lê Minh cũng đã thanh lý hợp đồng hợp tác kinh doanh với La Giang.
Hai là, do những khó khăn từ việc thay đổi chính sách vĩ mô, thắt chặt tín dụng của Nhà nước nên đến nay, Công ty La Giang không thể năng lực tài chính để tiếp tục tham gia đầu tư, triển khai Dự án này nữa.
Như vây, cả AZland và La Giang đều đã thoái thác trách nhiệm của mình, và đẩy 286 khách hàng mà mình trực tiếp huy động vốn cho bên khác.
Với biện pháp này, khách hàng của AZland đang phải đối mặt với rất nhiều rủi ro có thể gặp phải. Có thể sẽ có nguy cơ mất vốn.
Đáng lưu ý, trong Biên bản thỏa thuận ký ngày 11/4/2012 về giải quyết nghĩa vụ với khách hàng lại không có đại diện phía Thăng Long xác nhận, mặc dù Biên bản có nhắc đến Thăng Long. Đồng thời, ngày 16/4 kế tiếp Lê Minh đã có Thông báo gửi tới khách hàng với nội dung tiếp nhận nghĩa vụ và quyền lợi của khách hàng mà AZland và La Giang để lại. Đồng thời đưa ra 2 phương án cho khách hàng. Một là, khách hàng đồng ý ký lại Hợp đồng góp vốn với Lê Minh và thanh toán đủ 60% giá trị vốn góp (đã bao gồm cả khoản từ AZ/La Giang) cho chủ đầu tư bằng hình thức chuyển khoản. Bàn giao thực địa cho khách hàng từ 18-20 tháng kể từ ngày khách hàng góp đủ 60%. Hai là, khách hàng không đồng ý phương án trên.
Như vậy, có thể thấy rõ, khách hàng đang phải chịu thiệt thòi khi lại phải quy lại ký góp vốn với Lê Minh, trong khi AZ và La Giang “phủi tay” khỏi dự án. Vấn đề đặt ra liệu rằng, Lê Minh sẽ đảm bảo pháp lý chắc chắn không, khi mà trước đó Thăng Long (chủ đầu tư) đã thanh lý hợp đồng liên danh với Lê Minh, đồng thời cũng đã có những tranh chấp với Thăng Long.
Hơn nữa, một công ty "có tiếng" trong giới bất động sản như AZland mà nhiều khách hàng còn coi là công ty “lừa đảo”, liệu rằng với cái “phủi tay” sạch sẽ như vậy khách hàng có yên tâm? Ngoài ra, AZland cũng đã cho thấy dấu hiệu của một công ty BĐS năng lực yếu khi nhiều năm nay huy động vốn khách hàng đến hàng trăm tỷ đồng nhưng chưa có dự án nào được đầu tư xây dựng một đúng theo tiến độ của nó. Câu hỏi đặt ra là, hàng trăm tỷ đồng AZLand đã dùng vào mục đích gì trong nhiều năm, khi các dự án vẫn để đó chưa triển khai.
(Theo TTVN/CafeF)
- 0
- By Admin
- 27/06/2012
- 17