6 bí kíp giúp doanh nghiệp bất động sản thành công
Lợi thế cạnh tranh là sở hữu của những giá trị đặc thù, có thể sử dụng được để “nắm bắt cơ hội”, để kinh doanh có lãi. Khi nói đến lợi thế cạnh tranh, chúng ta nói đến lợi thế mà một doanh nghiệp đang có và có thể có, so với các đối thủ cạnh tranh của họ.Hoạt động kinh doanh bất động sản ngày càng trở nên khó khăn, bởi đây là lĩnh vực kinh doanh có tỷ suất sinh lợi cao hơn lĩnh vực khác, ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia kinh doanh trong lĩnh vực này. Cạnh tranh nội bộ ngành đang ngày một gia tăng, những doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh sẽ tồn tại và phát triển. Năng lực cạnh tranh có được từ lợi thế cạnh tranh, đối với các doanh nghiệp bất động sản, lợi thế đó bao gồm:
Lợi thế về vốn
Kinh doanh bất động sản yêu cầu có vốn đầu tư lớn, thời gian đầu tư dài. Những doanh nghiệp có lợi thế về vốn thì khả năng cạnh tranh cao. Nhất là trong bối cảnh lãi suất ngân hàng và tín dụng thắt chặt đối với cho vay bất động sản.
Lợi thế quỹ đất sạch lớn
Đất sạch là đất đã được bồi thường giải phóng mặt bằng theo quy định của pháp luật. Theo Nghị định số 69/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, thì giá bồi thường đất nông nghiệp bị giải toả làm dự án đã tăng lên gấp rưỡi so với trước. Doanh nghiệp bất động sản có quỹ đất sạch lớn sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn các doanh nghiệp khác bởi: giá trị tài sản tăng, chi phí đầu vào thấp hơn doanh nghiệp khác, nhiều lợi thế trong việc phải giảm giá bán sản phầm.
Lợi thế từ các mối quan hệ
Mối quan hệ ở đây bao gồm các mối quan hệ với khách hàng, với tổ chức tín dụng, với đối tác kinh doanh cũng như cơ quan chức năng. Các mối quan hệ này được xây dựng trên cơ sở uy tín của doanh nghiệp. Khi đã khẳng định được uy tín, việc xin cấp phép dự án, huy động vốn, bán sản phẩm cũng dễ dàng hơn so với các doanh nghiệp khác.
Lợi thế thương hiệu
Khách hàng là người thẩm định, quyết định sự thành công của dự án. Khi sản phẩm của doanh nghiệp đã được khẳng định bởi thương hiệu của họ, thì việc bán sản phẩm dễ dàng hơn so với các doanh nghiệp không có thương hiệu. Khi không có thương hiệu, doanh nghiệp sẽ phải mất nhiều thời gian, nỗ lực và tiền bạc thuyết phục khách hàng khi họ giới thiệu một sản phẩm hay dịch vụ chất lượng cao. Điều này có nghĩa là làm tăng chi phí cho nhân sự, thời gian bán hàng lâu hơn và lợi nhuận thấp hơn trong một khoảng hời gian dài.
Lợi thế về nhân lực, kinh nghiệm kinh doanh
Nguồn nhân lực ngành bất động sản hiện nay vẫn trong tình trạng thiếu về chất lượng nhân lực và yếu vì chưa có kiến thức một cách hệ thống. Đặc biệt, thiếu nhân lực có chất lượng ở một số lĩnh vực như thiết kế, thi công, quản lý vận hành, tiếp thị tới các khách hàng quốc tế đối với các công trình BĐS lớn. Những doanh nghiệp có đội ngũ ngân lực chất lượng cao, phong cách làm việc chuyên nghiệp, phù hợp với thông lệ quốc tế sẽ có lợi thế lớn. Do đánh giá đúng được xu thế thị trường, thu hút được đông đảo khách hàng.
Lợi thế chất lượng phục vụ
Khi nguồn cung sản phẩm nhiều hơn, người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn, trong khi chất lượng sản phẩm và giá thành tương đương thì chất lượng phục vụ đóng vai trò rất lớn trong kết quả hoạt động bán hàng của doanh nghiệp. Ở đây, có thể nói đến dịch vụ chăm sóc khách hàng từ khâu bán hàng đến sau bán hàng. Những dự án có hình thức bán hàng hấp dẫn, thủ tục giấy tờ nhanh gọn, dịch vụ an ninh, môi trường tốt sẽ có nhiều lợi thế.
(Nguồn: Báo cáo CTCK Artex, Dẫn theo DDDN)
- 0
- By Admin
- 01/11/2010
- 17