2.600 nhà phố xây dựng không phép: Đau đầu chuyện xử lý
Nhan nhản nhà không phép, trái phép
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Tp.HCM, hiện nay trên địa bàn thành phố có trên 2.600 trường hợp vi phạm nhà ở không phép, trái phép. Tính từ thời điểm ngày 1/1 đến ngày 15/5/2013, trên địa bàn Tp.HCM đã có 1.117 trường hợp vi phạm. Trong đó, xây dựng không phép là 816 trường hợp (chiếm trên 70%), còn lại là xây dựng trái phép 301 căn (27%). Chỉ tính riêng tại huyện Bình Chánh, lực lượng chức năng đã phát hiện gần 700 trường hợp vi phạm các quy định trong lĩnh vực xây dựng nhà ở.
Anh Trần Đình Thanh (ngụ TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) đi tìm mua đất xây nhà tại Tp.HCM cho biết: "Tôi đã đến các tuyến đường chạy dọc theo xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B thuộc huyện Bình Chánh để hỏi mua đất xây nhà. Theo các cò đất tại đây giới thiệu thì đất ở đây khoảng 4 triệu đồng/m2, bao luôn xây dựng. Giá đất rẻ khiến nhiều người ham nhưng việc mua bán chỉ bằng giấy tay, nếu muốn xây dựng phải có tiền lót tay 10 - 20 triệu đồng. Nếu mua đất, các nhà thầu lo liệu từ thủ tục hành chính để hợp thức hoá căn nhà, đến xây phần thô nhà với diện tích trên dưới 45m2 với giá thầu khoảng 170 triệu đồng.
Hàng loạt ngôi nhà tại khu vực phường 16 (quận 8) đều xây không phép.
Xử lý từ... ngọn (!)
Khi hàng trăm căn nhà tại huyện Bình Chánh (Tp.HCM) bị cưỡng chế, dư luận tỏ ta bức xúc và thắc mắc, tại sao sở Xây dựng để người dân xây lên những ngôi nhà trang hoàng rồi mới xứ lý mà không xử lý ngay từ khi bắt đầu xây? Đồng thời, UBND các quận, huyện dù biết nhà ở đó xây dựng không phép nhưng vẫn cấp điện, nước, số nhà? Phải chăng có sự bao che của chính quyền địa phương? Lý giải về vấn đề này, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc sở Xây dựng Tp.HCM cho rằng, hiện nay do lực lượng thanh tra xây dựng quá mỏng không thể khỏa lấp hết được các quận huyện nên mới để xảy ra sai sót. Cũng không loại trừ khả năng một số thanh tra viên bao che, tiêu cực. Sở Xây dựng TP cũng đã lập tổ công tác đặc biệt để xử lý dứt điểm gần 700 trường hợp ở Bình Chánh trên tinh thần sai phạm tới đâu thì xử lý tới đó.
Luật sư Nguyễn Đăng Liêm, thành viên hội Luật gia Châu Á cho biết: "Luật Dân sự quy định rõ, khi mua bán bất động sản thì bắt buộc phải có hợp đồng mua bán và thông qua công chứng thì mới có giá trị. Người dân ham giá rẻ mua đất không đầy đủ giấy tờ hợp lệ như vậy sẽ "chuốc" họa vào thân, khó khăn trong xây dựng. Khi xây dựng không phép sẽ bị cưỡng chế. Tuy nhiên, cần nhìn nhận rằng, khi cưỡng chế nhà không phép, các cơ quan chức năng mới chỉ xử lý phần ngọn, nếu chấn chỉnh ngay từ đầu thì sự việc đã không trở nên nghiêm trọng".
Ông Nguyễn Hữu Tín- phó chủ tịch UBND Tp.HCM: Sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Tín, phó chủ tịch UBND Tp.HCM cho hay: "TP. chỉ xử lý việc này đối với các trường hợp vi phạm xây dựng, chứ không phải cưỡng chế nhà dân. Do vậy, TP. cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng trong quá trình thực hiện thì phải giải thích, tuyên truyền để người dân hiểu. Trong thời gian tới, TP. cũng sẽ có các giải pháp để tăng cường quản lý công tác này và sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật". |
- 209
- By Admin
- 26/07/2013
- 17