• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

23 năm tranh chấp đất, Bộ TN&MT vào cuộc vẫn chưa xong

Hàng chục văn bản xử lý

Theo tìm hiểu, năm 1973, bà Nguyễn Thị Tuyết Lan mua lại số đất trên. Năm 1981, bà cho ông Nguyễn Văn Siêu ở và trông coi đất. Năm 1989, do có mâu thuẫn nên bà Lan đòi lại đất dẫn đến phát sinh tranh chấp. Bấy giờ, UBND huyện, tỉnh lần lượt ra nhiều quyết định khác nhau để giải quyết tranh chấp giữa hai bên. Sau đó, từ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ và Bộ TN&MT có nhiều văn bản khác nhau để xử lý vụ việc. Các quyết định này đều giống nhau ở chỗ đồng ý chia cho ông Siêu một phần đất, chỉ khác nhau về diện tích ít, nhiều.

Theo quyết định năm 1993 của UBND tỉnh thì ông Siêu phải trả lại phần lớn diện tích đất cho bà Lan, bà Lan bù đắp cho ông Siêu 50 triệu đồng và 1 ha đất. Sau đó, theo quyết định năm 1994 của UBND tỉnh, ông Siêu được quyền sử dụng 5.200 m2 đất và còn được bà Lan bồi thường 50 triệu đồng.

Năm 2000, Đoàn công tác liên ngành của Chính phủ do Bộ TN&MT làm trưởng đoàn đề nghị tỉnh Đồng Nai giải quyết tranh chấp theo hướng giao cho ông Siêu sử dụng một nửa diện tích đất (khoảng 4.350 m2), bà Lan được sử dụng phần còn lại, riêng phần đất cặp theo quốc lộ 51 chia đều cho mỗi bên.

23 năm tranh chấp đất, Bộ TN&MT vào cuộc vẫn chưa xong | ảnh 1
Ông Nguyễn Văn Siêu bên diện tích đất tranh chấp đã 23 năm. Ảnh: DUY ĐÔNG

Theo nhận định của Bộ TN&MT, cách giải quyết này vừa “đúng với thực tế về nguồn gốc và quá trình quản lý sử dụng đất”, vừa phù hợp với hiện trạng sử dụng đất và có tính khả thi. Bởi lẽ ông Siêu là người trực tiếp sử dụng đất từ năm 1983 đến khi xảy ra tranh chấp (năm 1989) và tiếp tục sử dụng cho đến nay, có đóng thuế cho Nhà nước. Trong khi đó, bà Lan là chủ đất cũ, không có quá trình sử dụng đất từ khi mua (năm 1973) đến giờ. Khi đăng ký sử dụng đất vào năm 1987, bà Lan cũng không đăng ký toàn bộ diện tích đất có tranh chấp.

Cố ý làm trái

Đáng lưu ý là cả ông Siêu và bà Lan đều không đồng ý với nội dung giải quyết trên và UBND tỉnh Đồng Nai vẫn chưa thể phân chia đất cho hai người. Thế mà chẳng rõ vì sao Phòng Địa chính huyện Long Thành lại báo cáo là “không còn tranh chấp” và trong khoảng thời gian ngắn từ ngày 19-5-1997 đến ngày 28-7-1997, UBND huyện Long Thành đã lập thủ tục công nhận quyền sử dụng 40.610 m2 đất (trong đó có số đất tranh chấp nêu trên) cho bà Lan. Khi chưa được cấp giấy đỏ, bà Lan đã chuyển nhượng đất cho một người ở tỉnh Ninh Thuận và người này đã được UBND huyện cấp giấy đỏ. Trong diện tích đất chuyển nhượng, ngoài 8.700 m2 đất ông Siêu đang sử dụng còn có một phần đất bà Lan tranh chấp với người khác đang được TAND huyện thụ lý.

Lạ lùng hơn, khi người mua đất phạm tội hình sự, đất đai bị kê biên thì huyện lại giao lại cho bà Lan quản lý dù bà không còn liên quan đến diện tích đất đã bán. Do trên thực tế chỉ còn được sử dụng “tạm” 1.700 m2 đất nên ông Siêu tiếp tục khiếu nại nhiều lần và Thủ tướng đã yêu cầu Bộ TN&MT tiếp tục xem xét.

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ vào năm 2006, Bộ TN&MT cho rằng việc tỉnh Đồng Nai không thực hiện ý kiến của Thủ tướng và có những hành vi vi phạm pháp luật về đất đai như: xác nhận không còn tranh chấp khi vẫn còn tranh chấp, cho chuyển quyền và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trái pháp luật cần phải được kiểm tra làm rõ, xác định đúng mức độ sai phạm và hậu quả do các hành vi đó gây ra, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Tháng 2/2012, Bộ TN&MT đã yêu cầu UBND tỉnh thực hiện đúng phương án của Đoàn công tác liên ngành của Chính phủ là cho ông Siêu sử dụng khoảng 4.350 m2 đất. Trả lời Bộ, UBND tỉnh chỉ cho biết đã giao Sở TN&MT tỉnh xem xét, báo cáo lại và đến giờ mọi thứ vẫn không có chuyển biến.

(Theo PLTP)

  • 150
  • By Admin
  • 15/10/2012
  • 17