2 yếu tố ảnh hưởng đến cường độ đầu tư BĐS tại châu Á-Thái Bình Dương
Theo báo cáo của JLL, top 5 thành phố hấp dẫn đầu tư BĐS nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương bao gồm: Sydney (Australia), Auckland (New Zealand), Melbourne (Australia), Brisbane (và Tokyo (Nhật Bản).
Các thành phố của Australia và New Zealand tiếp tục vị trí thống lĩnh thị trường nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường bán lẻ và văn phòng hạng sang, tạo ra nhiều cơ hội sinh lời hấp dẫn giới đầu tư toàn cầu. Đại diện của châu Á là Tokyo góp mặt trong top 5 nhờ lượng giao dịch BĐS hàng năm tăng nhanh cùng tác động tích cực của Thế vận hội Olympics 2020.
JLL nhận định, hai yếu tố quan trọng tác động đến cường độ đầu tư BĐS tại châu Á-Thái Bình Dương bao gồm tính minh bạch của BĐS và lượng giao dịch đầu tư xuyên quốc gia.
Sydney đứng đầu về cường độ đầu tư ở châu Á - Thái Bình Dương
1. Tính minh bạch của BĐS
JLL nhận thấy hệ số tương quan khá mạnh (0,75) giữa cường độ đầu tư tại 20 thành phố hàng đầu châu Á-Thái Bình Dương và chỉ số minh bạch BĐS toàn cầu do hãng nghiên cứu này công bố trước đó. Chỉ số này đánh giá sự thuận lợi và chắc chắn mà các nhà đầu tư và doanh nghiệp trải qua khi họ mua, sở hữu và vận hành một BĐS.
Theo đó, Australia và New Zealand là hai thị trường BĐS minh bạch nhất châu Á-Thái Bình Dương với cơ sở dữ liệu dễ tiếp cận, giá giao dịch công bằng, các tiêu chuẩn quản lý về nghiệp vụ kế toán và quản trị doanh nghiệp thống nhất, nghiêm ngặt. Không có gì đáng ngạc nhiên khi chỉ số cường độ đầu tư vào các thị trường này thường xuyên duy trì ở mức cao.
Ngược lại, sự thiếu minh bạch tại Trung Quốc, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á là nguyên nhân đằng sau hoạt động thu hút đầu tư kém hiệu quả tại các thị trường này.
2. Đầu tư xuyên quốc gia
Theo nghiên cứu của JLL, 1/3 lượng giao dịch BĐS thành công xuất phát từ người mua ở nước ngoài, cho thấy mối tương quan giữa đầu tư xuyên quốc gia và cường độ đầu tư vào các thành phố châu Á-Thái Bình Dương.
Top 5 thành phố hàng đầu ở Australia, New Zealand và Nhật Bản có một vài hạn chế đối với người nước ngoài mua BĐS. Tỉ lệ đầu tư xuyên quốc gia ở các thành phố này đạt trên mức trung bình trong khu vực.
Trong khi đó, đầu tư xuyên quốc gia tại Hồng Kông và Singapore chỉ chiếm lần lượt 25% và 17% trong tổng lượng giao dịch đầu tư BĐS. Dù là những thị trường khá tích cực và rất ít hạn chế đối với quyền sở hữu BĐS của người nước ngoài, Hồng Kông và Singapore mất điểm do giá BĐS quá cao và các biện pháp “làm mát” thị trường của chính phủ.
Liên Hương
(Theo Nhịp sống thời đại)
- 216
- By Admin
- 26/10/2015
- 17