10 năm hoàng kim của BĐS Trung Quốc đã trôi xa
Bất động sản Hong Kong cũng bước qua thời hoàng kim. |
Trả lời phỏng vấn của tờ Nhật báo Kinh tế Đệ nhất vào cuối tháng 3 vừa qua, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Trung Quốc Chu Trung Nhất cho rằng 10 năm hoàng kim của ngành bất động sản đã trôi xa. Thời đại kiếm bộn tiền nhờ vào giá trị gia tăng giản đơn của đất đai và kiểu quản lý bề ngoài đã kết thúc.
Thực tế cũng cho thấy so với nhiều lần tiến hành điều tiết theo kiểu nâng cấp dần trong năm 2010 và năm 2011, chính sách điều tiết thị trường bất động sản năm 2012 về tổng thể duy trì được sự ổn định tương đối, nhưng mức độ điều tiết không hề được nơi lỏng.
Lợi nhuận của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản phổ biến là giảm. Xu thế này bắt đầu xuất hiện từ năm 2011 và càng được thể hiện rõ trong năm 2012, đặc biệt là 6 tháng đầu năm 2013.
Kết thúc quý II/2013, biên lợi nhuận (chỉ số cho biết mỗi đồng doanh thu thu về tạo ra được bao nhiêu đồng thu nhập) của doanh nghiệp Vạn Khoa, tập đoàn bất động sản lớn nhất ở Trung Quốc giảm 3% so với cùng kỳ. Theo Chủ tịch Vạn Khoa, ông Uất Lượng, thời bất động sản kiếm bộn tiền ở Trung Quốc đã kết thúc, doanh lợi trong tương lai sẽ phát triển theo hướng ổn định và công ty đang từng bước phát triển nghiệp vụ ra bên ngoài, trong đó có Hong Kong.
Tuy nhiên, mới đây, Hong Kong Property cho biết thị trường bất động sản Đặc khu đã bị tổn thương nghiêm trọng với doanh số bán ra sụt giảm mạnh sau khi chính quyền bị áp thêm thuế đóng dấu chứng nhận giao dịch.
Nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt giảm quy mô hoặc rút chính sách kích thích kinh tế, thị trường bất động sản Hong Kong sẽ bị giáng thêm đòn mới vì khi đó, Hong Kong sẽ bước vào kỉ nguyên lãi suất cao.
Ngoài ra, với việc chính quyền Đặc khu đẩy mạnh các biện pháp hạ nhiệt thị trường, giao dịch trung bình hàng tháng trên thị trường thứ cấp có thể giảm xuống mức 4.500 giao dịch, gần bằng mức khi Hong Kong xảy ra đại dịch SARS vào năm 2003.
Trong kịch bản tồi tệ nhất, Giám đốc cấp cao của Hong Kong Property, ông Jeffrey Ng Chong-yip dự đoán, giá nhà sẽ giảm tới 45% trong từ 3 - 5 năm tới và hơn 10.000 người mua nhà vào đỉnh cao của năm 2012 phải đối mặt với nguy cơ lỗ vốn.
Tuy nhiên, có một điều đáng chú ý là trong khi không có cái nhìn lạc quan vào tương lai thị trường bất động sản Trung Quốc Đại lục và Hong Kong, nhiều nhà đầu tư ở đây lại hướng ánh mắt vào thị trường bất động sản Việt Nam.
Trong một bài viết đăng trên tờ “The Standard” của Hong Kong, tác giả Tony Liaw cho biết ngày càng có nhiều khách hàng châu Á đặt bất động sản Việt Nam vào tầm ngắm với hi vọng sẽ thu được lợi nhuận tốt.
Người Hong Kong, người Trung Quốc Đại lục và người Singapore đã đi đầu trong cuộc đua mới này. Nguyên nhân nằm ở việc giá bất động sản tại Việt Nam đã trở nên hấp dẫn hơn so với các nước khác trong khu vực như Thái Lan.
Bên cạnh đó, phải kể đến việc Việt Nam đang từng bước mở cửa thị trường bất động sản với việc đồng ý cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở tại thủ đô Hà Nội cho Việt kiều và người nước ngoài.
Với chính sách mới này, cộng thêm việc có nền chính trị ổn định, cải cách tiến bộ, cơ sở hạ tầng ngày một đi lên…, tác giả cho rằng các nhà đầu tư bất động sản nước ngoài có đủ lý do để tin vào cơ hội đang mở ra trước ở Việt Nam.
- 113
- By Admin
- 12/08/2013
- 17