• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Vì sao chủ đầu tư “ngại” làm nhà cho người thu nhập thấp?

Tại hội thảo diễn ra mới đây, một chủ đầu tư tại Tp.HCM đã thẳng thắn: "Chủ trương từ trước đến nay của DN chúng tôi là không làm nhà cho người thu nhập thấp vì rất nhiều thủ tục vướng mắc và hệ lụy của phân khúc này".

Hiện các dự án nhà ở xã hội (NOXH), nhà thương mại cho người thu nhập trên cả nước nói chung, địa bàn Tp.HCM nói riêng dường như chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Tại Tp.HCM, ngoài một số DN như Công ty Lê Thành, Công ty CP DV – TM – XD Hỷ Địa đầu tư phân khúc nhà thương mại cho người thu nhập thấp với mức giá khoảng 400 triệu đồng/căn (trả góp 3 – 6 triệu đồng/tháng) thì rất ít DN theo đuổi phân khúc này. Về NOXH, cũng chỉ xuất hiện một vài chủ đầu tư như Hoàng Quân với các dự án HQC Plaza (Q.8), HQC Hóc Môn (Tp.HCM), HQC Tây Ninh; Tổng Công ty Xây dựng số 1 với dự án NOXH căn hộ CC1 quận Gò Vấp; Công ty TNHH MTV Đầu tư Phúc Yên - dự án khu nhà ở chung cư cao tầng kết hợp thương mại tại P.Tân Thới Nhất, quận 12.

nhà thu nhập thấp

Nhu cầu của các đối tượng công nhân, viên chức, người lao động nhập cư luôn luôn có. Ảnh: Phương Nga 

Ngoài ra, trên địa bàn thành phố cũng xuất hiện một vài dự án NOXH thuộc sở hữu của nhà nước như: Chung cư số 241/1/25C đường Nguyễn Văn Luông, quận 6; Chung cư số 481 đường Bến Ba Đình, quận 8; Dự án chung cư số 26 đường Nguyễn Thượng Hiền, quận Gò Vấp; Chung cư số 19/19 đường Lạc Long Quân, quận Tân Bình.

Suốt thời gian dài, những kiến nghị, chủ trương về phân khúc nhà ở thương mại, NOXH dành cho người thu nhập thấp luôn là đề tài tốn nhiều giấy mực của báo giới nhưng giới BĐS lại không mấy mặn mà với phân khúc này. Trong khi thực tế nhà cho người thu nhập thấp mới thực sự là phân khúc có nguồn cầu lớn hiện nay.

Ngoài những lý do về chính sách quy hoạch phù hợp của nhà nước cho từng vị trí dự án thì chủ đầu tư còn phải đối mặt với muôn vàn rối ren về thủ tục, pháp lý, thời gian và nguồn vốn triển khai. Đó là những chia sẻ mà nhiều nhà đầu tư khi được hỏi đều bày tỏ tâm lý “ngại” tham gia phát triển dự án dành cho người thu nhập thấp.

Ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduchouse) chia sẻ: “Chủ trương của chúng tôi là không phát triển dòng sản phẩm nhà cho người thu nhập thấp mà chỉ có những sản phẩm diện tích nhỏ phù hợp với nhu cầu của người có thu nhập trung bình”. Lý giải cho chiến lược của mình, ông Hiếu nói: "Để phát triển một phân khúc ra thị trường, DN phải tính toán rất kỹ về đầu ra, nguồn vào, thời gian thực hiện cũng như mức lợi nhuận mang lại. Đó là chưa kể đến vấn đề pháp lý, thủ tục của từng phân khúc phát triển. Chính vì thế, mặc dù nguồn cung cho phân khúc thu nhập thấp còn rất nhiều nhưng lại không hấp dẫn với DN chúng tôi.

Đồng quan điểm, rất nhiều DN phát triển nhà ở thương mại cũng có tâm lý “né” nhà thu nhập thấp bởi những lý do “khó nói”. Ngoài nguyên nhân thủ tục hành chính phức tạp, mà người ta thường hay nói vui “hành là chính” thì lý do về nguồn vốn bỏ vào phân khúc này cũng là vấn đề được các nhà đầu tư cân nhắc. Nếu phát triển nhà cho người thu nhập thấp sẽ có hai hình thức là mua bán và thuê mua. Dù bán hay thuê mua thì thời gian lấy lại vốn cũng rất lâu, tốn nhiều công đoạn và quy trình quản lý khá phức tạp.

Ngay cả các DN đã bắt tay vào “thí điểm” mô hình này khi được hỏi cũng nhận được những cái lắc đầu ngao ngán. Vậy, đâu mới là giải pháp tháo gỡ thực sự cho vấn đề này?

Thời gian qua, nhà nước cũng đã có những hỗ trợ nhất định đối với DN phát triển nhà cho người thu nhập trung bình – thấp. Gói 30.000 tỷ đồng được xem là một cú hích cho thị trường. Thế nhưng, theo quan điểm đa chiều của các chuyên gia trong ngành thì gói tín dụng chưa kịp phát huy tác dụng thì đã có những thay đổi. Mà những thay đổi này vô hình chung lại làm phản tác dụng của chính sách.

Hiệp hội BĐS TP.HCM vẫn đang tiếp tục có những kiến nghị về gói vay 30.000 tỷ đồng như: Cho phép gia hạn giải ngân tái cấp vốn đối với các hợp đồng tín dụng đã ký trước ngày 31/03/2016 đối với khách hàng là cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê, thuê mua nhà ở, xây dựng mới, cải tạo sửa chữa lại nhà ở của mình theo điều kiện và tiến độ giải ngân của hợp đồng tín dụng (không giới hạn đến ngày 31/12/2016 như đề xuất của Ngân hàng Nhà nước);Đề nghị cho phép gia hạn giải ngân tái cấp vốn đối với các hợp đồng tín dụng đã ký trước ngày 31/03/2016 đối với khách hàng là hộ gia đình, cá nhân đầu tư cải tạo hoặc xây dựng mới nhà ở xã hội, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội, với điều kiện căn hộ của dự án đó đã bán cho khách hàng mà người mua nhà đã ký hợp đồng vay gói 30.000 tỷ đồng trước ngày 31/03/2016.

Mới đây Hiệp hội cũng đã có những đề xuất liên quan đến nhà ở thương mại có có diện tích tối thiểu 25m2. Thực ra đây là đề xuất từ rất lâu của Hiệp hội lên Thủ tướng Chính phủ nhưng vẫn chưa được chấp thuận.Theo như đề xuất, hiện nay, cũng đã có DN làm các chung cư thấp tầng với căn hộ diện tích nhỏ, đầy đủ tiện ích, đảm bảo an toàn, an ninh cho đối tượng nêu trên thuê để ở với giá rẻ. Nhưng theo Luật Nhà ở thì chỉ có căn hộ NOXH có diện tích tối thiểu là 25 m2, không được áp dụng cho căn hộ nhà ở thương mại. “Đây là điều bất cập rất lớn, bởi lẽ tại sao cùng là người thu nhập thấp như nhau nhưng chỉ có thể mua NOXH thì mới có căn hộ nhỏ, còn nhà ở thương mại thì không có loại căn hộ này”, đại diện Hiệp hội nhấn mạnh.

nhà thu nhập thấp

Thị tường đang chứng kiến những giao dịch mua bán mà người thu nhập thấp khó “với” tới  được. Ảnh: nguồn internet

Chính vì thế, Hiệp hội đề xuất cho phép tại những khu vực ngoại thành có thể được quy hoạch khu dân cư hỗn hợp, vừa có NOXH (được miễn tiền sử dụng đất, thuế GTGT 5%, thuế thu nhập DN 10%, chủ đầu tư dự án và người mua được ưu đãi tín dụng) vừa có nhà ở thương mại “chuẩn thấp”có diện tích tối thiểu 25m2/căn hộ tương đương NOXH(nhà ở thương mại phải nộp tiền sử dụng đất, thuế GTGT 10%, thuế thu nhập DN 20%, không được ưu đãi tín dụng)để giải quyết nhu cầu nhà ở rất cấp bách và rất lớn của người thu nhập thấp đô thị và gần 3 triệu người nhập cư.

Suốt thời gian dài, DN BĐS Đất Lành đấu tranh cho vấn đề nhà thương mại diện tích nhỏ (chia nhỏ diện tích căn hộ để bán). Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc DN này cho hay: "Nếu nhà nước không giải quyết được những vấn đề liên quan đến chính sách, nguyện vọng của DN thì những người thu nhập thấp có nhu cầu sẽ không bao giờ mua được nhà ở mà bản thân DN BĐS cũng khó bán được hàng". Thậm chí, ông Đực đã từng phát biểu trước báo giới rằng: “DN địa ốc sẽ chết trên đống hàng tồn kho”.

Rõ ràng, bên cạnh những nhà đầu tư không mấy mặn mà với phân khúc nhà cho người thu nhập thấp thì vẫn còn những nhà đầu tư muốn làm nhưng đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Đâu là lối thoát cho những doanh nghiệp này?

Phương Nga
(Theo Tuổi trẻ Online)

  • 0
  • By Admin
  • 29/07/2016
  • 17