• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Vay vốn mua bất động sản: Ham lời ôm nợ!

Mặc dù lãi suất tín dụng đã giảm 3% (hiện còn khoảng 18%/năm), nhưng với những người đã lỡ vay tiền ngân hàng mua bất động sản (BĐS) thì đang rất lo lắng vì vốn vay chẳng những không sinh lãi mà còn bị lỗ hằng ngày.

Sợ tài sản sẽ bị... phát mại

Thấy nhiều người đầu tư BĐS thắng lớn, đầu năm 2008, anh Trương, cư ngụ tại phường Tân Quy, quận 7-TPHCM), cầm cố căn nhà 3 tầng đang ở để vay 1 tỉ đồng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kỳ hạn 1 năm.

Cộng với nguồn vốn tự có 300 triệu đồng, anh Trương đã mua một lô đất rộng 100 m2 (giá 1,3 tỉ đồng) tại dự án của Công ty Nam Hòa ở quận 9-TPHCM.

Ba tháng đầu, lãi suất cho vay chỉ có 1%/tháng, nhưng sau đó vì thị trường tài chính biến động, ngân hàng đã điều chỉnh lãi suất cho vay lên 1,5%/tháng. Thời kỳ đầu anh Trương chỉ trả lãi 10 triệu đồng/tháng, sau đó phải trả 15 triệu đồng/tháng. Từ khi vay đến nay đã 9 tháng, tổng số tiền lãi anh Trương đã trả cho ngân hàng là 120 triệu đồng.

Trong khi tiền lãi hằng tháng phải trả cao như vậy thì giá trị lô đất ngày càng giảm đi. Theo anh Trương, giá đất ở dự án Nam Hòa đã giảm mạnh, hiện chỉ còn khoảng 8 triệu đồng/m2.

Dự kiến lúc đầu, sau khi mua xong sẽ “lướt sóng” ngay để kiếm lãi, nhưng không ngờ chào bán đến nay chẳng thấy ai mua. Do chưa bán được đất nên chưa thể nói vấn đề đầu tư của anh Trương lời hay lỗ.

Nhưng tạm tính, giả sử hôm nay bán được lô đất nói trên với giá 8 triệu đồng/m2, anh Trương chỉ thu được 800 triệu đồng, trong khi cả vốn gốc và tiền lãi đã lên đến 1,42 tỉ đồng.

Như vậy, sau hơn 9 tháng đầu tư, giá trị vốn của anh Trương đã bị “bốc hơi” 620 triệu đồng ( âm 43,6%). Nếu đến đầu năm tới không trả được nợ đúng hạn thì căn nhà anh Trương đang ở sẽ có nguy cơ bị phát mại.

Cần có kế hoạch kép

Trong những năm trước, khi nền kinh tế còn phát triển ổn định, giá đất còn thấp, sau mỗi đợt sốt BĐS, thị trường lại đóng băng khoảng 3 – 4 năm.

Năm nay do kinh tế trong nước và thế giới lâm vào khó khăn, giá đất đang ở “trên mây”, thì sự đóng băng của thị trường BĐS có thể sẽ còn kéo dài nhiều năm. Vì vậy việc chào bán căn nhà hay lô đất có thể phải mất nhiều thời gian.

Trong khi đó nếu chủ đầu tư vay vốn tín dụng thì hằng tháng vẫn phải trả lãi, chi phí ngày càng tăng cao. Lúc đầu có thể còn cầm cự được nhưng sau đó vì túng quá đành phải bán BĐS với giá rẻ, dẫn đến bị lỗ vốn. Nếu không bán được tài sản để trả nợ theo cam kết thì ngân hàng có thể phát mại tài sản cầm cố.

Bà Phương Lan, Phó Phòng Tín dụng Ngân hàng Eximbank, cho biết: Trong trường hợp đáo hạn tín dụng mà khách hàng chưa trả được nợ thì tùy từng trường hợp mà ngân hàng sẽ có giải pháp xử lý thích hợp.

Nếu người vay chứng minh được khả năng trả nợ trong vòng mấy tháng thì ngân hàng có thể gia hạn và điều chỉnh lãi suất cho phù hợp với nợ quá hạn. Trường hợp bế tắc khả năng trả nợ thì bên tín dụng sẽ chuyển hồ sơ sang bộ phận pháp chế...

Để hạn chế rủi ro khi vay vốn kinh doanh BĐS, nhà đầu tư cần lưu ý: Nếu vay dưới một năm thì thường các ngân hàng cho trả nợ gốc một lần khi đáo hạn, còn tiền lãi thì trả hằng tháng.

Nếu vay thời gian trên 12 tháng thì phải trả vốn theo phân kỳ và tiền lãi trả hằng tháng theo dư nợ giảm dần. Đầu tư BĐS thường phải trường vốn. Nếu vay tiền đầu tư thì phải có kế hoạch kép về phương án trả nợ để phòng khi nhà đất đóng băng ngoài dự tính.

Nợ vay đầu tư BĐS còn 115.500 tỉ đồng

Theo Ngân hàng Nhà nước, đến hết tháng 9, tổng số vốn các ngân hàng thương mại cho vay đầu tư vào BĐS trên cả nước còn 115.500 tỉ đồng, chiếm 9,15% trên tổng dư nợ cho vay toàn hệ thống, giảm 20.000 tỉ đồng so với cuối tháng 4-2008.


Theo NLĐ
  • 352
  • By Admin
  • 11/10/2008
  • 17