• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Khách sạn Fortuna Hà Nội trước nguy cơ mất trắng

Kỳ vọng “bánh vẽ”...

Không lường được những khó khăn, Liên minh HTX Việt Nam vội vàng lập phương án hợp tác với đối tác xây dựng khách sạn 5 sao. Sau 7 năm hoạt động, phần lớn vốn gần như bị mất trắng. Trước đó, Liên minh HTX Việt Nam góp vốn bằng quyền sử dụng đất tại ô đất 6B, phường Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội với Công ty Chng Holdings PTE. Ltd (Singapore) để đầu tư tài chính xây dựng khách sạn 5 sao Fortuna Hà Nội.

Để có kinh phí hoạt động, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể và học tập các kinh nghiệm quản lý, quản trị hiện đại từ đối tác nước ngoài, Liên minh HTX Việt Nam đã góp vốn thành lập liên doanh. Được biết, để hỗ trợ Liên minh HTX Việt Nam, Chng Holdings PTE. Ltd đã tài trợ 1 triệu USD xây dựng trụ sở của Liên minh cao 8 tầng ở Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Trên cơ sở hợp đồng liên doanh giữa Công ty TNHH Thắng Lợi (nay là Công ty TNHH nhà nước một thành viên Đầu tư - Thương mại và Du lịch Thắng Lợi - gọi tắt là Công ty Thắng Lợi) với Công ty Chng Holdings PTE. Ltd, Công ty Liên doanh Khách sạn Fortuna Hà Nội được thành lập vào ngày 29/11/1994.

 

 

Khách sạn Hà Nội Fortuna trước nguy cơ mất trắng
Khách sạn Hà Nội Fortuna trước nguy cơ mất trắng

Ngày 14/11/1997, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cấp Giấy phép đầu tư số 1129/GPĐC3 chuẩn y việc điều chỉnh tỷ lệ vốn pháp định của hai bên trong Công ty Liên doanh Khách sạn Hà Nội Fortuna. Bên Việt Nam góp 2,25 triệu USD, chiếm 30% vốn pháp định bằng giá trị quyền sử dụng 3.892 m2 đất trong thời hạn 35 năm, trị giá 1,852 triệu USD và các khoản khác do hai bên thoả thuận.

Ngày 15/11/2007, sau nhiều lần điều chỉnh, UBND TP. Hà Nội cấp Giây chứng nhận đầu tư số 011022000093 cho liên doanh trên.

35 triệu USD là tổng vốn đầu tư của liên doanh. Vốn điều lệ là 18 triệu USD. Bên Việt Nam góp 30%, trị giá 5,4 triệu USD bằng quyền sử dụng 3.482 m2 đất trong thời hạn 40 năm và các khoản khác do các bên thoả thuận.

Khách sạn Fortuna Hà Nội và nguy cơ mất trắng

Khách sạn Hà Nội Fortuna thua lỗ triền miên trong những năm đầu đi vào hoạt động. Đến ngày 31/12/2002, số lỗ lũy kế là hơn 8,4 triệu USD rong khi vốn điều lệ chỉ có 9 triệu USD.

3 nguyên nhân dẫn đến tình trạng thua lỗ của Khách sạn Hà Nội Fortuna đã được Thanh tra Chính phủ chỉ ra vào năm 2010 gồm: khủng hoảng tài chính, lãi vay xây dựng khách sạn cao mà chưa trả được và chi phí quản lý khách sạn cao.

Nhiều cuộc họp bàn nhằm tìm giải pháp khắc phục đã được HĐQT Công ty Liên doanh Khách sạn Hà Nội Fortuna tiến hành. Giải pháp tối ưu được đưa ra lúc đó là chuyển công ty liên doanh thành công ty cổ phần để có cơ hội niêm yết trên sàn chứng khoán. Để liên doanh chuyển thành công ty cổ phần, phải đảm bảo song song 2 điều kiện: vốn pháp định phải lớn hơn vốn vay và hoạt động của liên doanh phải có lãi. Vì thế, ngày 1/6/2006, các bên liên doanh đã ký Thỏa thuận thống nhất, Hornblower Boswth PTE Ltd Singapore (Công ty liên doanh vay vốn đầu tư xây dựng Khách sạn Hà Nội Fortuna) được trở thành thành viên thứ ba trong liên doanh.

Theo bản ký kết mới, vốn điều lệ được đẩy từ 9 triệu USD lên 18 triệu USD. Phía Việt Nam vẫn góp 30%. Tỷ lệ góp vốn của đối tác nước ngoài được điều chỉnh từ 70% xuống còn 35%. Bên cho vay vốn đầu tư xây khách sạn Hornblower được tham gia góp vốn với tỷ lệ 35%.

Hornblower góp vốn bằng cách chuyển từ khoản vốn cho vay xây dựng 9 triệu USD thành vốn góp 6,3 triệu USD và hỗ trợ số vốn còn thiếu của phía Việt Nam là 2,7 triệu USD; đồng thời miễn giảm lãi vay các năm 2002, 2003 là hơn 3,527 triệu USD và từ năm 2004, tính lãi theo số vốn vay còn lại. Tuy nhiên điều kiện Hornblower đặt ra là xóa bỏ điều kiện chuyển giao không bồi hoàn trong Giấy phép đầu tư. Điều kiện này đã không được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chấp nhận. Điều này đồng nghĩa liên doanh sẽ không được cổ phần hóa, tiếp tục đối mặt với thời kỳ thua lỗ.

Đầu năm 2008, liên doanh đưa ra phương án bên Việt Nam chuyển 30% vốn góp còn lại cho bên nước ngoài, mà vẫn giữ điều kiện chuyển giao không bồi hoàn. Tháng 6/2009, Liên minh HTX Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Tài chính về đề xuất này và đến ngày 27/4/2010 nhận được văn bản trả lời.

Đó cũng chính là thời điểm Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra việc thành lập, hoạt động, phê duyệt phương án chuyển nhượng phần vốn Việt Nam tại Công ty Liên doanh Khách sạn Hà Nội Fortuna cho đối tác nước ngoài và đó là lý do khiến việc chuyển nhượng phải tạm gác lại.

Ngày 2/7/2010, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Kết luận Thanh tra số 1937 KL-TTCP-V.II nêu rõ: “Yêu cầu Liên minh HTX Việt Nam chủ động phối hợp với các cơ quan nhà nước có liên quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường có phương án xử lý tình trạng kinh doanh thua lỗ và chuyển nhượng phần vốn của Công ty Thắng Lợi trong Công ty Liên doanh Khách sạn Hà Nội Fortuna hoặc tiếp tục duy trì hoạt động của Liên doanh...”.

Dự luận vẫn đặt ra câu hỏi liệu ông Võ Kim Cự, hiện đang giữ chức Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam sẽ làm gì để “cứu” lại đất vàng và vốn góp trong liên doanh từ cuộc chơi quốc tế ở Liên doanh Khách sạn Hà Nội Fortuna.

Nếu Liên minh HTX Việt Nam làm đúng chức năng nhiệm vụ và thận trọng hơn trong họp tác quốc tế sẽ không có những quả đắng trong Liên doanh Khách sạn Hà Nội Fortuna.

  • 0
  • By Admin
  • 30/07/2016
  • 17